Nay công ty đã nợ tôi 9 tháng lương (gồm các tháng: 11,12-2009; 11,12-2010 và 5,6,7,8,9-2011). Điều này trái với mục 1 điều 59 của Bộ luật lao động Việt Nam. Xin hỏi tôi cần làm gì để chấm dứt hợp đồng với công ty và được trả lương đầy đủ cũng như các chế độ sau khi chấm dứt hợp đồng?
(Bui Van Tuc)
– Theo quy định tại điều 59 Bộ luật lao động thì người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Trong trường hợp đặc biệt phải trả lương chậm thì không được chậm quá một tháng và người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 37 Bộ luật lao động thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong trường hợp sau đây: không được trả công đầy đủ hoặc trả công không đúng thời hạn theo hợp đồng.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn, do công ty trả lương cho bạn không đúng thời hạn theo hợp đồng lao động và nợ lương của bạn đến chín tháng nên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty.
Trình tự được thực hiện như sau:
Theo khoản 2 điều 37 BLLĐ, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm b, khoản 1 điều 37 BLLĐ, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 3 ngày.
Theo quy định tại điều 2 thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH Luật Bảo hiểm xã hội thì người bị thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
2. Đã đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động-thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm theo quy định tại khoản 2 điều thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH.
Điều 41 nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định:
1. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động hiện hành. (Khi chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có – điều 42 BLLĐ).
Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, nếu trong thời gian bạn làm việc từ tháng 7-2009 đến nay bạn có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì khi bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ bạn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội. Còn nếu trường hợp thời gian bạn làm việc từ tháng 7-2009 đến nay bạn không có đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì khi bạn đơn phương chấm dứt HĐLĐ bạn được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động.
Nguồn: tuoitre.vn