Sau khi đọc Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, nhiều bạn đọc thắc mắc cùng đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, nữ hưởng lương hưu 45%, nam chỉ 40%.
Kiến nghị xem xét tỉ lệ lương hưu giữa nam và nữ
Theo bạn đọc tên Hiển, tuổi nghỉ hưu của nam cao hơn nữ, tuổi thọ nam thấp hơn nữ, tỉ lệ lãnh lương hưu của nam đáng ra phải cao hơn nữ thì ngược lại thấp hơn. “Mục tiêu bình đẳng giới sao xa vời quá!”, người này cảm thán.
Độc giả Rose bình luận: “Bản thân người lao động nam hay nữ đều là người làm công ăn lương, đều đóng góp công sức trí tuệ của mình cho đơn vị, cho chủ doanh nghiệp mà khi nghỉ hưu lĩnh mức tỉ lệ chênh lệch nhau là không công bằng cho lao động nam. Tôi thấy không hợp lý, kiến nghị mức tỉ lệ lĩnh bằng nhau”.
Ngược lại, bạn đọc Khởi nêu quan điểm: “Nếu so về sức khỏe thì nữ sẽ chịu thiệt thòi hơn nam ở khoản sinh đẻ. Người phụ nữ mà sinh nở hai con trở lên là sức khỏe xuống dữ lắm bạn à! Chính sách có sự chênh lệch như vậy là nhân văn đấy!”.
Tỉ lệ hưởng lương hưu khác nhau, vì sao?
Về các thắc mắc, ông Nguyễn Duy Cường – phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết luật mới kế thừa từ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, không thay đổi công thức tính lương hưu.
Song, ban soạn thảo bổ sung cách tính tỉ lệ lương hưu với lao động nam đóng từ 15 năm đến dưới 20 năm.
“Vấn đề tỉ lệ hưởng lương hưu đã được đặt ra, tuy nhiên sau khi đánh giá cặn kẽ tác động, khả năng cân đối của quỹ hưu trí tử tuất, chủ trương là kế thừa luật hiện hành và không sửa đổi tỉ lệ hưởng lương hưu”, ông nói.
Với lao động nam đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, lương hưu có tỉ lệ bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Mức này tăng 6,25% so với dự thảo ban đầu. Khi đó, lao động nam được tính tỉ lệ 2,25%/năm, nếu đóng đủ 15 năm thì chỉ hưởng 33,75%.
Luật mới nêu nam đóng đủ 15 năm, sau đó mỗi năm đóng thêm được cộng 1%. Từ năm thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu là 45%, tính thêm 2%/năm đóng cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Với lao động nữ đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, lương hưu có tỉ lệ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, mỗi năm cộng thêm 2% cho đến khi hưởng tối đa 75%.
Như vậy, cùng đóng 15 năm bảo hiểm xã hội, lao động nam hưởng lương hưu với tỉ lệ 40% trong khi nữ là 45%.
Từ năm đóng thứ 20 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu của hai giới đồng đều 2%
Để hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng 30 năm và nam là 35 năm. Người về hưu trước tuổi bị trừ tỉ lệ hưởng 2%/năm.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỉ lệ hưởng lương hưu bình quân với mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội của các nước khoảng 1,7%. Hai nước phát triển là Trung Quốc, Hàn Quốc có tỉ lệ 1%. Riêng Việt Nam, tỉ lệ hưởng lương hưu ở nam và nữ hiện hành lần lượt là 2,14% và 2,5%.
Nước ta đang ở giai đoạn già hóa dân số và dự báo đến năm 2036 sẽ bước vào giai đoạn dân số già với tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm khoảng 14%.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ.
Từ năm 2021, mỗi năm tăng thêm 3 tháng làm việc với nam, còn với nữ là 4 tháng cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, năm 2024 tuổi nghỉ hưu của nam là 61 tuổi. Với nữ, tuổi nghỉ hưu là 56 tuổi 4 tháng.
Nguồn: tuoitre.vn