Theo báo cáo lồng ghép giới trong dự án luật BHXH sửa đổi, phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp hơn ở khu vực việc làm chính thức – nơi được đảm bảo các chế độ BHXH tốt hơn. Phụ nữ có thu nhập thấp hơn, chịu trách nhiệm chính về thai sản và những công việc chăm sóc không được trả công.
Dữ liệu về thời gian trung bình đã đóng BHXH của người lao động được bảo hiểm cho thấy, cả phụ nữ và nam giới đều có quá trình đóng góp thấp. Phụ nữ có quá trình đóng góp ngắn hơn nam giới và nghỉ hưu với thời gian được ghi nhận đóng BHXH ít hơn để hưởng hưu trí.
Ở khu vực tư nhân, lao động nữ ở độ tuổi từ 40 – 53 tuổi có thời gian đóng góp BHXH trung bình từ 9 – 13 năm. Thời gian đóng BHXH của nam giới có phần cao hơn, từ 10 – 19 năm ở độ tuổi từ 41 – 58.
Bộ LĐ-TB-XH cho hay, trong giai đoạn 2016 – 2020 đã có gần 3,2 triệu người hưởng BHXH 1 lần. Phụ nữ chiếm đa số trong những người nhận khoản BHXH 1 lần sau 1 năm ngừng tham gia BHXH.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, phụ nữ nhận 54,8% của tổng các chế độ này và chỉ chiếm 44,5% tổng số người mới hưởng lương hưu hằng tháng.
Trong cùng thời kỳ, số tiền hưởng BHXH 1 lần mà nam giới nhận được sau 1 năm ngừng đóng BHXH gấp 4,5 lần số tiền hưu trí mà họ nhận được trong cùng thời kỳ và ở nữ giới là 6,8 lần. Điều này phản ánh cả xu thế cao hơn của phụ nữ trong việc nhận khoản BHXH 1 lần và khả năng tiếp cận thấp hơn của họ đối với lương hằng tháng.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, nếu giữ quy định về hưởng BHXH 1 lần như luật hiện hành, người lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút 1 lần, về lâu dài người lao động sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu. Phương án này không thể thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí và sẽ gây nhiều khó khăn cho việc hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH.
Do đó, tại dự thảo luật BHXH sửa đổi, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để được nhận lương hưu có thể giúp người lao động, đặc biệt là lao động nữ được hưởng chế độ hưu trí. Việc mở rộng diện bao phủ sẽ tác động trực tiếp đến thúc đẩy bình đẳng giới và giảm bất bình đẳng giới.
Ngoài ra, đề xuất cho lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất sẽ hạn chế phần nào số người hưởng BHXH 1 lần do mức hưởng thấp, đặc biệt là phụ nữ. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu. Phương án này góp phần gia tăng tỷ lệ của những người thực sự thụ hưởng chế độ hưu trí, từ đó giảm gánh nặng đối với ngân sách.
Nguồn: thanhnien.vn