Đại diện Vinasun tại tòa – Ảnh: TUYẾT MAI
Chiều nay, HĐXX và đại diện VKS đã dành nhiều thời gian để hỏi đại diện bị đơn vấn đề về thuế, hoạt động của Grab tại các nước khác trên thế giới.
Chêch lệch về mức thuế
Theo đó, phía Vinasun cho biết họ phải đóng 10% thuế VAT, 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, 32% bảo hiểm cho lái xe trên thu nhập của họ, trong khi Grab đóng thuế VAT 3%, kinh doanh phần mềm 2%, tổng cộng là 5%, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho tài xế.
Từ năm 2014 đến năm 2016, Vinasun đóng 1.200 tỉ đồng tiền thuế, cùng thời điểm đó Grab chỉ đóng 9,5 tỉ đồng.
Vinasun cũng cho biết giá cước của đơn vị vận tải taxi phải được Sở Tài chính chấp thuận. Sau đó các doanh nghiệp này phải đi kiểm định đồng hồ tính cước, niêm chì thì xe mới được lăn bánh. Khi tăng hay giảm giá cước đều phải tuân thủ quy trình như trên trong khi Grab không bị ràng buộc bởi các quy định này.
Grab chỉ xác nhận Uber chuyển giao tài sản
Tại tòa, đại diện Grab cho biết Grab hoạt động ở 8 nước Đông Nam Á và hơn 100 thành phố. Trả lời câu hỏi của HĐXX về tình hình kinh doanh có thua lỗ như Việt Nam không, ông Jerry Lim cho biết hoạt động của Grab ở một số nước bắt đầu có lợi nhuận và một số nước đang tiếp tục đầu tư. Từ năm 2015-2016 Grab liên tục đầu tư vào các nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, khi HĐXX hỏi trong 7 nước mà Grab đầu tư có bao nhiêu nước có lợi nhuận thì đại diện Grab xin không trả lời câu hỏi này vì chỉ phụ trách thị trường ở Việt Nam, không có số liệu toàn vùng.
Lý giải về thông tin thỏa thuận chuyển nhượng thị phần giữa Grab và Uber, đại diện Grab cho rằng giao dịch này mang tính chất khu vực nên không có thẩm quyền trả lời. Còn khi Uber không hoạt động tại Việt Nam vào tháng 3-2018 thì Uber có chuyển nhượng 1 số tài sản cho Grab.
Phía bị đơn không xác nhận thông tin Grab mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á mà nguyên đơn nêu, chỉ xác nhận việc Uber chuyển nhượng tài sản cho Grab như đã nêu.
Grab cho biết ở các nước khác Grab chưa từng có tranh chấp tương tự như vụ tranh chấp với nguyên đơn. Hơn thế, Grab còn hợp tác rất tốt với các công ty vận tải khác. Trong đó 7 nước xác định Grab kinh doanh phần mềm công nghệ, trong đó có chính phủ Singapore, Malaysia…
Việc đổi tên từ Công ty TNHH Grab Taxi thành Công ty TNHH Grab là do Grab còn hợp tác với nhiều đối tác trên nhiều lĩnh vực khác như giao đồ ăn, giao hàng chứ không chỉ lĩnh vực vận tải.
Grab có “lách” luật?
Một trong những câu hỏi HĐXX đặt ra cho bị đơn là có thể tách rời hoạt động vận tải và hoạt động kết nối bằng công nghệ được không hay hai hoạt động này phải gắn kết với nhau mới được? HĐXX cho biết HĐXX hỏi nội dung này nhằm xác định nếu 2 hoạt động này không thể tách rời thì trở thành lách luật.
Trả lời câu hỏi này phía Grab cho biết không thể đưa ra nhận định chính xác có thể tách rời 2 hoạt động này hay không, đây là sự việc do chính phủ quyết định.
Ngoài ra, đại diện Grab cũng xác nhận với HĐXX việc phí tăng trong giờ cao điểm hoặc khi trời mưa là do Grab lập trình bằng thuật toán dựa trên trí tuệ nhân tạo.
Bên cạnh đó, Grab cho biết điều kiện để lái xe đăng ký chạy Grab là: Lái xe làm việc với công ty kinh doanh vận tải (đáp ứng được những điều kiện cần thiết cho các đơn vị này theo quy định), sau đó mới đến Grab cung cấp giấy tờ gồm hợp đồng đã ký với HTX, phù hiệu xe hợp đồng tại tỉnh, thành đã có quy định được hoạt động, cung cấp thông tin bằng lái xe, khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, giấy tờ chứng minh chủ sở hữu xe. Grab khẳng định không quản lý lái xe.
Tuy nhiên, HĐXX cho biết trong hồ sơ nhiều HTX nói không quản lý lái xe mà chỉ cấp phù hiệu xe sau đó tài xế sang Grab để đăng ký.
Vì không triệu tập các nhân chứng là các HTX vận tải ký hợp đồng với Grab nên HĐXX công bố một số lời khai. Theo đó, các HTX này khai rằng HTX không định giá cước, không quản lý tài xế, không hưởng gì từ doanh thu tài xế với Grab, không mua bảo hiểm cho tài xế…
Lý giải việc này, phía Grab cho rằng Grab chỉ thu thập phản hồi của lái xe vi phạm sau đó cùng với HTX xử lý, những lời khai trên không đúng sự thật và không tiêu biểu so với 300 HTX là đối tác của Grab.
Cuối ngày làm việc, các bên không tranh luận thêm. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào 14h chiều 23-10 với phần phát biểu quan điểm của đại diện VKSND TP.HCM.
Nguồn: tuoitre.vn