Đó là thông tin được bà Trần Thu Phương – phó trưởng ban nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – chia sẻ tại Hội thảo công bố kết quả khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ngày 15-12.
Khảo sát do ban nữ công, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện từ tháng 6 đến tháng 8-2023 với hơn 900 lao động, 32 chủ sử dụng lao động và 62 cán bộ công đoàn tại 10 tỉnh thành, trong đó có TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Ninh…
Công nhân nữ xin nghỉ rồi rút bảo hiểm xã hội một lần
Theo khảo sát, tỉ lệ nữ lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 98,2%, bảo hiểm y tế là 95,5%, bảo hiểm thất nghiệp là 90%. Nhưng khi hỏi về ý định rút bảo hiểm xã hội một lần, có tới khoảng 45% trong số 866 người nói muốn rút một lần.
Nhiều nguyên nhân khiến lao động nữ rút bảo hiểm xã hội một lần như để có một khoản lo cho gia đình (gần 68%), không tin tưởng làm việc đến khi nghỉ hưu (khoảng 29%), rút một lần có lợi hơn…
Theo các doanh nghiệp, trong báo cáo, người lao động chọn rút một lần vì suy giảm khả năng lao động, muốn về quê sống, xa gia đình, không có niềm tin vào tương lai, thu nhập thấp, điều kiện sống chưa tốt, chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm xã hội.
Từ các số liệu, chuyên gia nhận định thực trạng trên đáng báo động vì nếu rút bảo hiểm, về già công nhân sẽ không có thu nhập ổn định, phải làm việc hoặc nhờ vào người xung quanh, tạo gánh nặng cho xã hội.
Do đó, Công đoàn kiến nghị cần có nhiều giải pháp giúp đỡ người lao động khắc phục khó khăn về việc làm, cải thiện tiền lương, hỗ trợ nuôi con cái để họ duy trì tham gia lưới an sinh xã hội.
Nhiều công nhân ở nhà trọ chật chội, tối tăm
Về tiền lương, mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm nhiều nhất với khoảng 60% số được khảo sát. Khi được hỏi, nhiều lao động nữ di cư nói được công ty hỗ trợ tiền ăn ca, ăn trưa (khoảng 400.000-600.000 đồng/tháng), làm thêm giờ, hỗ trợ nhà ở…
Dù vậy, chỉ chưa tới 4% nói có tiết kiệm hằng tháng bởi họ đều từ địa phương khác tới nên phải thuê nhà, sống trong các khu trọ chật chội, không gian nhỏ, tối tăm, thiếu nơi sinh hoạt. Thu nhập thấp đã đành, gần 50% lao động nữ từ địa phương khác chỉ ở nhà dưới 20m2, tiền thuê 1-2 triệu đồng/tháng…
Đặc biệt, khảo sát cho thấy tổng thu nhập của gia đình nữ lao động di cư xoay quanh mức 10-15 triệu đồng (gần 80%). Như vậy, rất nhiều phụ nữ phải tằn tiện chi tiêu, tăng ca để có thêm thu nhập, dành đa phần lương để chi tiêu ăn uống, sinh hoạt, nhà ở…
Đáng chú ý nữa là một bộ phận công nhân, nhân viên ngoại tỉnh trong khảo sát phải gửi con về quê nhờ người thân như ông bà chăm sóc (khoảng 31%). Khoảng 24% người được khảo sát khẳng định phải gửi con về quê vì cha mẹ làm ăn xa.
“Điều này gây thiệt thòi rất lớn cho những đứa trẻ khi thiếu sự chăm sóc, nuôi dạy trực tiếp của cha mẹ, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển về thể chất cũng như tâm lý của trẻ, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý của người lao động khi phải xa con”, báo cáo nêu.
Hoạt động công đoàn phải thiết thực
Qua khảo sát trên, bà Trần Thu Phương cho biết tổ chức Công đoàn sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải pháp như hỗ trợ xây nhà trẻ, xây nhà cho công nhân thu nhập thấp, hạn chế tín dụng đen…
Còn bà Huỳnh Thị Ngọc Liên – trưởng ban nữ công, Liên đoàn Lao động TP.HCM – cho biết Tết 2024 sẽ có chương trình vui Tết cùng công nhân thành phố. Qua đó, gia đình công nhân được hỗ trợ vé vào cửa, suất ăn trưa tại công viên văn hóa Đầm Sen…
Theo bà Liên, vừa qua, Công đoàn TP.HCM cũng tổ chức Ngày hội vì sức khỏe người lao động với các hoạt động khám sức khỏe nha khoa, phụ khoa, tầm soát ung thư bằng AI cho công nhân.
Liên đoàn Lao động thành phố còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, dạy nghề cho chị em giúp việc nhà, bartender, làm nail, hớt tóc… Từ đó, họ cảm thấy kỹ năng nói chuyện, sử dụng thiết bị thông minh, nâng cao, tăng niềm tin vào Công đoàn.
Nguồn: tuoitre.vn