Bà Trương Thị Lan – Ảnh: VĂN ĐỊNH
Trường hợp của bà Lan được cô Nguyễn Thị Thu Hà – hiệu trưởng Trường mầm non Lê Duẩn chia sẻ lên facebook đã gây dư luận xã hội.
Đồng lương ít ỏi sống làm sao…
Tìm về xóm 11, xã Cẩm Duệ, hỏi nhà bà Lan, chúng tôi đều nghe người dân bàn tán chuyện của bà Lan về hưu mà nhận lương không đủ tiền đong gạo hàng tháng.
Hàng xóm kể bà Lan là một giáo viên dạy trẻ ở Trường mầm non Lê Duẩn. Vợ chồng bà có 4 người con, con đầu đã đi lấy chồng, đứa thứ hai đi làm thuê trong Nam nhưng công việc không ổn định. Còn con trai út học xong cấp 3 thấy gia đình khó khăn đã bỏ thi đại học, ở nhà phụ giúp bố mẹ.
Chồng bà Lan là ông Nguyễn Đình Toàn đã 60 tuổi, bị mù, lại khiếm thính, đau ốm liên miên nên không còn khả năng lao động.
“Đau ốm thường xuyên nên ông Toàn không làm được việc nặng, cuộc sống gia đình đều dựa vào đồng lương dạy trẻ của bà Lan. Nay về hưu với lương 1,3 triệu đồng/tháng, gia đình bà ấy sẽ rất vất vả”, bà Hương, một người hàng xóm nói.
Trò chuyện với phóng viên, bà Lan cho biết năm 1980, bà bắt đầu dạy trẻ ở Trường mầm non Lê Duẩn. Thời kỳ đó, lương của bà Lan được nhận bằng thóc, gạo của phụ huynh đóng góp.
“Thời đó rất khó khăn, tôi nhiều lần muốn bỏ dạy làm nghề khác. Nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ, nên tôi nói với chồng con là bám trụ lại dạy, mong về già có đồng lương”, bà Lan tâm sự.
Năm 1986, bà Lan được cử đi học nghiệp vụ sư phạm và 2 năm sau đó được đi học lên trung cấp mầm non theo hệ vừa học, vừa làm. Đến năm 1995, bà Lan được nhận lương 450.000 đồng/tháng và tăng dần theo năm.
“Năm 2003, tôi nằm trong đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc và đóng bù 8 năm bảo hiểm nữa để đủ thời gian tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu. Để có tiền đóng bù, tôi phải vay ngân hàng”, bà Lan kể.
Trước khi nghỉ hưu, bà Lan có hệ số lương 3,46. Từ năm 2016 đến trước ngày nghỉ hưu, lương của bà Lan được nâng lên hơn 5 triệu đồng/tháng. Đến 26-10, bà Lan nhận quyết định được hưởng lương 1.268.000 đồng/tháng và được bù thêm lương 32.000 đồng/tháng.
“Lúc nhận quyết định lương hưu, tôi đã khóc không thành tiếng, đi không vững. 37 năm dạy trẻ, giờ nhận được đồng lương ít ỏi thế này, làm sao mà sống”, bà Lan ngậm ngùi.
Sau những ngày buồn bã nhận sổ lương hưu, bà Lan lại vác cuốc ra đồng đắp bờ, nhổ cỏ.
“Lương tính đúng quy định”
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, hiệu trưởng Trường mầm non Lê Duẩn, cho biết hai năm bà về làm hiệu trưởng trường này, ngoài cô giáo Lan còn có cô giáo Xuân về hưu lương 1 triệu đồng/tháng, cô giáo Lưu về hưu lương 1,5 triệu đồng/tháng.
“Tôi mong muốn các cấp, các ngành có thể tạo điều kiện quan tâm đến những giáo viên mầm non như cô Lan để các cô không bị thiệt thòi”, bà Hà nói.
Còn ông Đặng Quốc Hiền, trưởng Phòng Giáo dục – đào tạo huyện Cẩm Xuyên, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn, giáo viên mầm non về hưu lương rất thấp, nhiều trường hợp về hưu lương không đủ sống là vì trước đây chưa được xếp vào hệ thống viên chức”.
Theo báo cáo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, từ tháng 1-1995 đến tháng 12-2012, bà Lan được đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (đóng BHXH theo mức tối thiểu theo từng thời kỳ), tổng thời gian là 216 tháng với tổng số tiền là 249.818.200 đồng.
Từ tháng 1-2013 đến 8-2017, tổng số 56 tháng với mức lương bình quân của các tháng đóng BHXH theo hệ số tiền lương do nhà nước quy định cộng với thâm niên ngành là 247.728.260 đồng. Mức lương bình quân của các giai đoạn này là 1.829.215 đồng.
Tính tỉ lệ lương hưu theo khoản 1, điều 56 Luật BHXH: 15 năm đóng được tính bằng 45% sau đó cứ thêm 1 năm được tính bằng 2% đối với nam, 3% đối với nữ. Cô giáo Lan đóng BHXH 22 năm 8 tháng, được tính như sau: 15 năm tính 45%, thêm 7 năm tính bằng 21%, 8 tháng được tính bằng 1 năm bằng 3%.
Mức lương hưu hằng tháng là 45 + 21 + 3 = 69%. Như vậy, mức lương hưu hằng tháng của cô Lan là 1.829.215 x 69% = 1.262.158 đồng, được nhà nước bù thêm cho bằng mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng.
“Căn cứ vào quy định của Nhà nước thì bảo hiểm tỉnh tính mức tiền lương hưu hàng tháng đối với bà Lan là 1,3 triệu đồng/ tháng hoàn toàn đúng quy định”, bà Nguyễn Thị Hồng Lam, trưởng Phòng chế độ bảo hiểm xã hội thuộc BHXH tỉnh Hà Tĩnh cho hay.
Hàng trăm giáo viên mầm non có lương hưu hơn một triệu/tháng
Theo BHXH tỉnh Hà Tĩnh, trước năm 1999 giáo viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không thuộc diện tham gia bảo hiểm. Nhưng từ năm 1999 trở lại đây, Nhà nước có chính sách quy định giáo viên mầm non ngoài công lập có ký hợp đồng lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Năm 2004, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ GD-ĐT có công văn 2150/GDĐT-BHXH hướng dẫn quy định chi tiết hơn về việc đóng nộp, không phân biệt loại hình công lập, dân lập với các giáo viên.
Giai đoạn 2011-2014, nhiều giáo viên hết tuổi lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hàng tháng mà chỉ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Nhà nước đã có Quyết định 45/QĐ-TTg, giáo viên mầm non tiếp tục được tham gia bảo hiểm tự nguyện để đủ mức tối thiểu đóng bảo hiểm 20 năm, nhằm nhận hỗ trợ 13% thời gian đóng bảo hiểm trong lương hàng tháng.
Tính đến năm 2016, BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện chi trả bảo hiểm cho hơn 270 giáo viên mầm non trong toàn tỉnh với mức lương tối thiểu hơn 1 triệu đồng.
Nguồn: tuoitre.vn