Nhiều doanh nghiệp khắc phục 79% số nợ
Năm 2023, tại Hà Nội, 53.239 đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với số tiền 4.260 tỷ đồng. Số tiền chậm đóng phải tính lãi là hơn 1.537 tỷ đồng.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho hay, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cao nhất cả nước.
Hiện nay, tổng số nợ bảo hiểm xã hội trên 6%. Sau khi trừ số nợ bảo hiểm xã hội của các đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn không thể thu hồi, thì số nợ còn gần 3%.
Trước thực tế trên, ông Mến cho biết, trong năm 2023, cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện nhiều giải pháp như đôn đốc hàng tháng với các đơn vị nợ, rà soát các đơn vị nợ từ 3 tháng để tổ chức kiểm tra.
Sau bước này, với các đơn vị cố tình chây ì, Bảo hiểm xã hội thành phố phối hợp với các đơn vị tổ chức thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm.
Năm 2023, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 5.182 đơn vị. Sau thanh tra, kiểm tra, các đơn vị này đã khắc phục 79% số tiền nợ bảo hiểm xã hội. Việc thanh tra, kiểm tra đã thu hồi được số tiền nợ khá lớn.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Cơ quan này cũng đã ra 112 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tăng so với năm 2022. Đặc biệt, khi có Nghị quyết số 05 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã chuyển 7 đơn vị có số nợ lớn sang cơ quan điều tra.
Năm 2023, cơ quan này phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chuyển 15 đơn vị nợ sang cơ quan điều tra. Bảo hiểm xã hội cũng đề nghị cơ quan điều tra xử lý, truy tố theo đúng quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục tố tụng chưa nhất quán giữa các đơn vị, cơ quan. Ví dụ cơ quan Bảo hiểm xã hội đề xuất và gửi thủ tục hồ sơ, song cơ quan điều tra lại chưa thống nhất, cho rằng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Từ đó, dẫn đến chưa khởi tố được bất cứ một đơn vị nợ nào”, ông Mến nói.
Bảo hiểm xã hội thành phố đã kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố, đề nghị Giám đốc Công an thành phố xử lý điểm một, hai đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để tạo sức lan tỏa. Công an thành phố sẽ nghiên cứu và trực tiếp phối hợp với cơ quan tư pháp về vấn đề này.
Trao đổi về nguyên nhân giảm tỷ lệ nợ, ông Mến cho rằng, do công tác truyền thông tốt và thường xuyên đôn đốc của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với các đơn vị nợ. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm tra đã giúp hạn chế việc nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội thành phố kiên trì trong việc đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội. Từ danh sách đơn vị nợ nhiều, cơ quan Bảo hiểm xã hội giao phòng thanh tra phối hợp với phòng truyền thông có văn bản trực tiếp gửi giám đốc của đơn vị sử dụng lao động.
Sau hai lần thông báo doanh nghiệp vẫn không nộp số tiền nợ, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Đến bước này, nhiều doanh nghiệp đã khắc phục số tiền nợ bảo hiểm xã hội.
Nguồn: dantri.com.vn