Đó là đề nghị mới của Bảo hiểm xã hội Hà Nội để hạn chế việc trốn đóng bảo hiểm xã hội xoay quanh dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Tăng chế tài, trốn đóng bảo hiểm giảm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phan Văn Mến – giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội – cho hay để giảm tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, Hà Nội và TP.HCM đã có quy định không cho doanh nghiệp vi phạm xét thi đua hoặc tham gia đấu thầu. Từ đó, số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội có dấu hiệu giảm.
Với dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề nghị người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên không được đấu thầu, thi công, mua sắm vật tư, hàng hóa, trang thiết bị từ nguồn vốn của Nhà nước…
Đơn vị vi phạm cũng không được tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi hay nhận hỗ trợ kinh phí hỗ trợ đào tạo, học nghề cho người lao động.
“Chúng tôi kỳ vọng quy định sẽ được luật hóa, từng bước khắc phục được tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị”, ông Mến bày tỏ.
Cơ quan này cũng đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội hoặc hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để đi làm và tham gia bảo hiểm xã hội do có tình trạng thu gom, mua bán, cầm cố sổ bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị khi thanh toán bảo hiểm xã hội một lần.
Việc ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Qua nắm bắt, một số doanh nghiệp chỉ tuyển người dưới 30 tuổi, có bằng tốt nghiệp phổ thông dẫn đến tình trạng mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để đi làm hoặc tham gia bảo hiểm xã hội.
Cấm xuất cảnh, ngừng hóa đơn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Cường – vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho hay cơ quan này đang tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi (kết thúc 30-4).
Theo ông Cường, điểm quan trọng nhất của dự thảo là quy định rõ thời hạn phải đóng. Nếu doanh nghiệp không đóng đồng nghĩa với việc trốn đóng. Chẳng hạn, doanh nghiệp phải đóng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng tiếp theo nếu chọn phương thức hằng tháng.
Việc này giải quyết vướng mắc khi không xử lý được hình sự vì hành vi chậm đóng hay trốn đóng không rõ ràng.
Hai là quy định lãi chậm nộp theo như thuế với mức 0,03%/ngày.
Ban soạn thảo cũng đề xuất các giải pháp mạnh như ngừng sử dụng hóa đơn với hành vi trốn đóng 6 tháng trở lên hoặc hoãn xuất cảnh nếu trốn đóng 12 tháng trở lên.
“Dự thảo còn quy định rõ doanh nghiệp không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia nhưng chậm đóng ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động thì phải bồi thường”, ông Cường nêu rõ.
Đề nghị không giao công đoàn cơ sở khởi kiện
Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, những năm qua công đoàn đã gửi hàng nghìn hồ sơ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội sang tòa án các cấp đề nghị khởi kiện. Đến nay, số hồ sơ được thụ lý và khởi kiện “không đáng kể” do còn nhiều vướng mắc.
Tuy vậy, nếu giao công đoàn cơ sở kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng không thực tế vì hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp, rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện người sử dụng lao động vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Do đó, cơ quan đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quyền khởi kiện ra tòa cho ngành bảo hiểm xã hội và cấp công đoàn hợp lý.
Nguồn: tuoitre.vn