Ảnh: XUÂN LONG
Ông Chính cho biết: Tổng liên đoàn Lao động VN đang đề nghị lên Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị tạm dừng thực hiện khoản 2 điều 56 của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 về điều chỉnh cách tính lương hưu, giống như từng tạm dừng thực hiện điều 60 Luật BHXH trước đây.
Sau đó, nếu Quốc hội chấp thuận, sẽ có nghị quyết không thực hiện quy định này nữa để nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH 2014.
Luật BHXH 2014 có quy định về điều chỉnh cách tính lương hưu. Trước đây lao động nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 60 tuổi và có đủ số năm tham gia BHXH (nam 30 năm, nữ 25 năm) sẽ được hưởng lương hưu mức tối đa 75% lương bình quân khi còn đang làm việc.
Công thức tính là nếu đủ tuổi nghỉ hưu và có 15 năm tham gia BHXH sẽ được nhận lương hưu bằng 45% lương bình quân, sau đó cứ đóng thêm 1 năm BHXH thì lương hưu tăng thêm 2% lương bình quân với nam và 3% với lao động nữ.
Theo cách tính mới của Luật BHXH 2014, nam phải tham gia BHXH đủ 35 năm, nữ 30 năm mới được hưởng lương hưu mức tối đa là 75% lương bình quân như kể trên. Do thời gian kéo dài nên phải sửa công thức tính.
Theo đó, thêm 1 năm tham gia BHXH (sau 15 năm đầu tiên) thì lao động nữ được cộng thêm 2% lương bình quân vào lương hưu (thay vì cộng 3% như trước). Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 với điều kiện đủ tuổi và đóng BHXH 25 năm như tiêu chuẩn trước đây chỉ được nhận lương hưu bằng 65% lương bình quân, giảm 10% so với người nghỉ hưu vào 31-12-2017. Rõ ràng sẽ là rất thiệt thòi.
Khi xây dựng quy định này của Luật BHXH 2014, ông Chính cho biết các bên làm luật có đề ra lộ trình thực hiện với lao động nam, nhưng lại không có lộ trình với lao động nữ. Đây cũng là điều chưa công bằng.
Trong một vài ngày tới, ông Chính cho biết Quốc hội sẽ có phiên giám sát tối cao về bình đẳng giới, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN sẽ có báo cáo về hai vấn đề: lương hưu đối với lao động nữ và tình hình doanh nghiệp có xu hướng cho người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc.
Ông Chính cho rằng nếu nói riêng vấn đề lương hưu với lao động nữ thì quy định khiến lương hưu của lao động nữ bị giảm từ 1-1-2018 tới không chỉ thể hiện sự bất bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ, mà bất bình đẳng cả giữa người về hưu từ 31-12-2017 và người về hưu từ 1-1-2018.
Theo quy định mới, lao động nữ nghỉ hưu từ 1-1-2018 sẽ bị giảm lương hưu. Trong ảnh: sản xuất hàng dệt may tại TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nên đóng bảo hiểm xã hội
Bàn về “Giải bài toán lương hưu thấp”, đại diện BHXH TP.HCM cho rằng lương hưu của người lao động cao hay thấp phụ thuộc vào mức đóng BHXH hằng tháng của người lao động khi làm việc. Mức đóng BHXH bao nhiêu, đóng ít hay đóng nhiều tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp.
Đang có một nghịch lý là khu vực nhà nước thì muốn đóng BHXH theo thu nhập thực tế nhưng quy định chưa cho đóng, còn khu vực ngoài nhà nước cho đóng cao nhưng tiền lương do ông chủ chi trả nên không muốn đóng cao.
Mức đóng BHXH theo quy định hiện nay là 32%, trong đó chủ sử dụng lao động đóng 24%, người lao động đóng 8%. Cho nên chủ doanh nghiệp trả lương có thể cao nhưng hợp đồng lao động thể hiện thấp để đóng BHXH thấp.
Ngoài ra, bản thân người lao động ở khối ngoài nhà nước cũng không muốn đóng BHXH theo thu nhập thực tế vì chỉ nghĩ cái lợi trước mắt, chỉ muốn đóng tiền BHXH hằng tháng càng thấp càng tốt. Nhưng đến khi nghỉ hưu, mức đóng này là cơ sở của lương hưu. Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng thấp hưởng thấp.
Giải pháp cho người lao động có mức lương hưu phù hợp để đủ sống chỉ có thể là cải cách chính sách tiền lương và đóng BHXH trên cơ sở lương thực tế. Trong lương thực tế, nên tính rạch ròi lương và phụ cấp hoặc tổng thu nhập, tránh cách tính nhập nhằng phụ cấp thường xuyên – không thường xuyên rồi lại đóng BHXH một cách rất không rõ ràng, sau này ảnh hưởng tới lương hưu.
LÊ THANH HÀ ghi
Lương hưu thấp nhất chỉ 350.000 đồng/tháng
Theo ông Điều Bá Được – trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN), từ cuối năm 2014 BHXH VN đã có báo cáo gửi cơ quan có thẩm quyền về việc sẽ có một số nhóm nghỉ hưu từ năm 2015 với mức lương hưu rất thấp, bằng hoặc thấp hơn lương cơ sở (hiện là trên 1,3 triệu đồng/tháng), do họ bắt đầu tham gia BHXH từ 1-1-1995 với mức đóng rất thấp, dựa trên mức lương cơ sở khi đó là 120.000 đồng/tháng.
Hiện nay có trên 3.200 người hưởng lương hưu dưới mức lương cơ sở 1,3 triệu đồng/tháng, trong đó có trên 720 người là nông dân ở Nghệ An tham gia BHXH tự nguyện với mức lương hưu nhận được là 350.000 – 1 triệu đồng/tháng. Mức 350.000 đồng/tháng là lương hưu thấp nhất hiện nay.
Trước tháng 7-2017, khi chưa có chính sách điều chỉnh của Chính phủ (được bù 250.000 đồng/tháng) thì những người nhận lương hưu mức 350.000 đồng/tháng chỉ nhận được xấp xỉ 100.000 đồng/tháng.
L.A.
Nguồn: tuoitre.vn