Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo của Chính phủ tiếp thu, giải trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội cụ thể là bao nhiêu?
Trong đó, báo cáo nêu rõ về tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đề xuất các nội dung liên quan trong dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Cụ thể, ngày 12-4, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và đề xuất các quy định liên quan trong dự thảo luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại báo cáo, Chính phủ đã đề xuất phương án cụ thể sửa đổi điều 62, điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được thể hiện tại điều 76, điều 77 của dự luật (sửa đổi) chỉnh lý và cho phép riêng quy định này được áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Việc này để đồng bộ, thống nhất với thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đồng thời Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở cho đến khi luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Để cụ thể hóa đề xuất nhằm tiếp tục thực hiện được các chế độ bảo hiểm xã hội hiện đang gắn với mức lương cơ sở, đồng thời tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về không nên quy định thành số tiền tuyệt đối mà nên sử dụng một căn cứ khác thay thế, Chính phủ đề xuất sử dụng “mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội” để thay thế cho “mức lương cơ sở”.
Việc thay thế này tại các nội dung của các chế độ bảo hiểm xã hội trong luật năm 2014 đang gắn với mức lương cơ sở và bổ sung một khoản về quy định chuyển tiếp của dự luật sửa đổi.
Cụ thể, mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được tính bằng 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2024 thay thế cho mức lương cơ sở để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định tại luật năm 2014 và để thực hiện bảo hiểm xã hội theo quy định của luật sửa đổi này.
Mức tham chiếu tính bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo quy định của Chính phủ trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục trình Quốc hội 2 phương án rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Liên quan nội dung hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, báo cáo nêu tại dự luật sửa đổi và tờ trình, Chính phủ đề xuất 2 phương án.
Cả 2 phương án đều nhằm hướng tới mục tiêu, chủ trương nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng một lần, mỗi phương án đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định.
Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan và trực tiếp người lao động (cả người lao động đang tham gia và đã hưởng một lần).
Chính phủ cho rằng để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội nhằm đạt được mục tiêu của Đảng tại nghị quyết 28, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, cần phải thực hiện tổng thể, đồng bộ các giải pháp.
Cùng với các chính sách nhằm gia tăng lợi ích, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần đã được quy định tại dự thảo luật này.
Đồng thời cũng phải thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật liên quan khác như hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt…
Nhấn mạnh đây là vấn đề lớn, nhạy cảm, phức tạp, Chính phủ tiếp tục thống nhất trình và đề nghị Quốc hội xem xét quyết định lựa chọn 1 trong 2 phương án hưởng một lần.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết số người rút bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4 có gần 122.000 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý 1-2024.
Nguồn: tuoitre.vn