Ngày 12.7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, nhằm mở rộng diện bao phủ BHYT, cơ quan này đã góp ý sửa đổi luật BHYT theo hướng nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% lên 50% cho một số đối tượng.
BHXH Việt Nam đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng |
T.Hằng |
Theo quy định hiện nay, mức đóng BHYT hàng tháng với các nhóm trên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Cụ thể, mỗi người đóng 67.050 đồng/tháng và 804.600/năm. Hiện ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% với các nhóm này, số tiền thực tế phải đóng còn 46.935 đồng/tháng và 563.220 đồng/năm.
Việc ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT cho các nhóm đối tượng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đã giúp họ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, giảm bớt gánh nặng về tài chính và góp phần tăng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT.
Tuy nhiên, từ năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách mua thẻ BHYT cho người dân sinh sống tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và người dân sinh sống tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 353 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ đã làm sụt giảm số người tham gia BHYT.
Trong số đó, có khoảng 3,1 triệu người (khoảng 2,1 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số) không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Một số địa phương có số người tham gia BHYT giảm sâu như: Đắk Lắk giảm 225.500 người; Sóc Trăng giảm 309.500 người; Trà Vinh giảm 243.600 người; Sơn La giảm 180.000 đồng bào dân tộc thiểu số; Thanh Hóa giảm 183.300 đồng bào dân tộc thiểu số…
Trước thực tế này, BHXH Việt Nam đề xuất tăng hỗ trợ ngân sách từ 30% lên 50% đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Nếu được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, các nhóm đối tượng trên sẽ giảm được gánh nặng tài chính, nâng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT, nhất là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng.
BHXH Việt Nam còn kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT với đồng bào thiểu số, người dân sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Theo quy định, nhóm này được nhà nước hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT.
Một số nhóm lao động được đề nghị bổ sung đóng BHYT bắt buộc gồm: quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.
Theo BXHX Việt Nam, nhà nước cần có quy định tham gia BHYT với nhóm lao động đang tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; trẻ dưới 6 tuổi có bố hoặc mẹ quốc tịch Việt Nam sinh ra ở nước ngoài sau đó về nước sống; người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, đến 31.12.2021, số người tham gia BHYT là 88,837 triệu người, tăng 794.000 người (0,9%) so với năm 2020; đạt tỷ lệ khoảng 91,01% dân số tham gia BHYT.
Nguồn: thanhnien.vn