Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất nâng chuẩn trợ cấp mỗi tháng (áp dụng từ 1-7-2021) tăng từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng hoặc 750.000 đồng.
Nếu tăng lên 500.000 đồng/tháng, ngân sách dự kiến chi khoảng 37.000 tỉ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1-7-2024, kinh phí phát sinh 4.700 tỉ đồng.
Còn phương án tăng lên 750.000 đồng, ngân sách dự kiến chi 54.000 tỉ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1-7-2024, kinh phí bố trí thêm khoảng 13.000 tỉ đồng.
Trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online, ông Tô Đức – cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – nêu rõ đề xuất không chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhóm không tự chăm lo cho cuộc sống như người cao tuổi, trẻ mồ côi mà còn thu hẹp khoảng cách các nhóm trong xã hội khi cải cách tiền lương từ 1-7.
Trợ cấp xã hội hiện hành rất thấp
* Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất tăng mức trợ cấp xã hội so với mức 360.000 đồng/tháng hiện hành, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
– Hiện nay, đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hằng tháng hơn 3,3 triệu và nhóm chăm sóc người tâm thần nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, không tự phục vụ khoảng 400.000 người.
Như vậy khoảng 3,7 triệu người đang hưởng nhận trợ cấp hằng tháng với khoảng 28.000 tỉ đồng/năm. Trong đó bao gồm trợ cấp, hỗ trợ chăm sóc, bảo hiểm y tế. Đây là chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nguồn lực rất lớn.
Dù vậy, chính sách mới hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu tối thiểu của người dân như cơm ăn, áo mặc, điện nước sinh hoạt trong khi còn nhiều nhu cầu về tinh thần, chăm lo y tế, giáo dục…
Chuẩn trợ cấp hiện rất thấp, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021-2025 (1,5 triệu đồng/tháng) hoặc 20% so với lương cơ sở từ 1-7-2023 (1,8 triệu đồng/tháng).
Chúng tôi đã xây dựng phương án, lấy ý kiến bộ ngành, đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, bố trí tăng nguồn lực dành cho đối tượng này phù hợp với điều kiện ngân sách trong bối cảnh cải cách tiền lương. Khi cải cách tiền lương, khoảng cách giữa chuẩn trợ giúp xã hội sẽ tiếp tục được nới rộng.
Trên thế giới, bên cạnh tăng trưởng kinh tế, các nước đều gia tăng tỉ lệ ngân sách bố trí cho đối tượng trợ giúp xã hội, chương trình trợ giúp xã hội.
* Việc chăm lo tốt hơn cho nhóm nhận trợ giúp xã hội sẽ hướng tới an sinh xã hội toàn dân?
– Bộ đã trình Trung ương ban hành nghị quyết 42 năm 2023 về đổi mới, nâng cao chính sách xã hội. Tư tưởng cốt lõi là an sinh toàn diện, toàn dân, bằng chính sách nhiều tầng, nhiều lớp để hỗ trợ người dân như chính sách bảo hiểm xã hội, việc làm.
Trợ giúp xã hội chỉ là tầng cuối của hệ thống an sinh. Khi người khó khăn nhất lọt qua các lưới trên thì tầng cuối đóng vai trò điểm tựa cuối cùng, “bà đỡ” cho người dân có mức sống tối thiểu.
* Tức là hệ thống an sinh đa tầng được xây dựng chủ động, không phải đợi khủng hoảng xảy ra mới nghiên cứu ban hành chính sách?
– Đúng vậy, chúng ta có rất nhiều tầng bảo đảm an sinh cho người dân. Một số nước có sàn an sinh xã hội để xác định an sinh tối thiểu người dân. Nghị quyết 42 cũng nêu sàn an sinh quốc gia.
Chúng tôi hướng tới sàn có tiêu chí cụ thể người dân rơi xuống ngưỡng nào thì có gói an sinh xã hội phù hợp được kích hoạt.
Trường hợp bị ảnh hưởng tức thời như đại dịch, thiên tai không có cơm ăn, áo mặc thì hỗ trợ thế nào. Một người khỏe mạnh, gặp tai nạn dẫn đến khuyết tật vĩnh viễn, không còn khả năng lao động thì hỗ trợ dài hơi thế nào…
Khoảng 20% người nhận trợ cấp đã có tài khoản ngân hàng
* Bộ có tính tới phương án chi trả an sinh không bằng tiền mặt?
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương đang thúc đẩy chi trả an sinh không dùng tiền mặt.
Hiện nhóm bảo trợ xã hội, người có công và nhóm chính sách khác khoảng 5 triệu người. Trong đó khoảng 20% người dân đã đăng ký tài khoản tín dụng ngân hàng để nhận chi trả trợ cấp.
Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Công an sẽ phân loại dữ liệu các nhóm hưởng trợ cấp. Công an cấp xã, phường sẽ vận động, hướng dẫn người dân mở tài khoản thanh toán qua phần mềm VNeID, đồng thời rà soát, liên thông dữ liệu cho ngành lao động – thương binh và xã hội.
* Thưa ông, việc thực hiện có gặp những khó khăn? Nên chăng chúng ta cần chia thành nhiều giai đoạn, thí điểm một số nơi trước khi nhân rộng toàn quốc?
– Ngành sẽ thí điểm ở 5 thành phố lớn có hạ tầng chi trả thuận lợi, sau đó tiến tới các nơi vùng sâu, vùng xa, địa lý khó khăn.
Chúng tôi sẽ có lộ trình, bước đi phù hợp vì chi trả không dùng tiền mặt liên quan đến hạ tầng đồng bộ, người dân có rút được tiền nhanh chóng không. Số cây ATM tại địa phương như thế nào. Căn cứ thực tiễn, các địa phương sẽ đề xuất giải pháp cụ thể.
Việc mở tài khoản ngân hàng là quyền của người dân nhưng để thúc đẩy chi trả không dùng tiền mặt, chính quyền cơ sở phải tăng cường tuyên truyền, nói cho người dân hiểu tính ưu việt, lợi ích của chi trả qua thẻ ngân hàng.
Không làm theo phong trào, tuyệt đối không áp đặt, không ép buộc.
Nguồn: tuoitre.vn