Các tiểu thương chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) nghe cán bộ BHXH Q.1 nói về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình – Ảnh: THÙY DƯƠNG
Rất nhiều người bán hàng ở chợ Tân Định đã quan tâm vấn đề này. Ông Trần Ngọc Thương, phó giám đốc BHXH Q.1, cho biết trước đây những người đi làm trong các cơ quan nhà nước, người lao động có hợp đồng mới được tham gia BHXH.
Còn những người không có hợp đồng lao động, làm tự do như các tiểu thương ở chợ Tân Định không được tham gia BHXH. Nhưng theo quy định hiện hành, những người làm tự do cũng có thể tham gia BHXH tự nguyện và có thể lựa chọn các mức đóng khác nhau.
Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất hiện nay là 22% của mức thu nhập thấp nhất và mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là 22% mức thu nhập cao nhất (mức thu nhập cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở).
Mức thu nhập thấp nhất hiện nay theo chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 700.000 đồng/tháng. Tính ra, người chọn đóng mức phí thấp nhất chỉ đóng 154.000 đồng/tháng (22% của 700.000 đồng). Tùy thuộc vào việc người dân lựa chọn mức đóng thấp hay cao mà sau này sẽ được hưởng mức hưu trí cao hay thấp tương đương.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ có chế độ hưu trí và tử tuất. Điều kiện để được hưởng hưu trí là phải đóng BHXH 20 năm, nam đủ 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Bà con có thể chọn phương thức đóng BHXH hằng tháng, 3 tháng hay 12 tháng…
Nói là tham gia 20 năm, nhưng khi người tham gia đã đến tuổi hưu là 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ mà còn thiếu 10 năm đóng BHXH thì có thể đóng luôn 10 năm còn lại trong một lần để được hưởng lương hưu luôn.
Ông Thương cũng nhấn mạnh về việc cần thiết khi tham gia BHYT hộ gia đình. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương đóng tiền khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, ông Thương cho biết cơ quan BHXH sẽ ký hợp đồng với ban quản lý chợ tổ chức thành lập các đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại các chợ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thương cho biết việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện không dễ. Năm 2018, Q.1 mới có gần 400 người tham gia BHXH tự nguyện và năm nay chỉ tiêu giao cho Q.1 là 625 người tham gia.
Lý do người dân chưa mặn mà với BHXH tự nguyện là do thời gian đóng phí quá dài, trong khi chỉ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Trong khi đó, người dân mong muốn khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ ốm đau, thai sản như người tham gia BHXH bắt buộc.
Sau khi nghe cán bộ BHXH Q.1 tuyên truyền, giải thích, bà C.T.L.H., tiểu thương bán hàng khô ở chợ Tân Định, cho biết bà cũng muốn tham gia BHXH tự nguyện, nhưng phải về bàn thêm với chồng.
“Năm nay tôi 54 tuổi, nếu đóng BHXH tự nguyện trong 20 năm thì phải chờ đến 74 tuổi mới được nhận lương hưu thì chờ lâu quá” – bà H. chia sẻ. Một số tiểu thương khác cũng cho biết sẽ về tìm hiểu thêm, sau đó mới quyết định có tham gia BHXH tự nguyện hay không.
Kiến nghị hưởng lương hưu theo số năm đóng BHXH
Ông Trần Ngọc Thương cho biết cơ quan BHXH sẽ tiếp tục kiến nghị theo hướng người tham gia BHXH tự nguyện bao nhiêu năm sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo số năm đã tham gia (giống như ngày trước gọi là chế độ mất sức), chứ không phải đợi tham gia đủ 20 năm.
Ông Thương cũng cho biết trong thời gian tới, BHXH Q.1 sẽ tiếp tục đến các chợ trên địa bàn quận để vận động người dân tham gia.
Nguồn: tuoitre.vn