Xungquanh vấn đề này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.
|
Năm 2014, dự thảo luật BHXH tiếp tục đưa ra trình Quốc hội phương án nâng tuổi nghỉ hưu với lý do là tránh “vỡ quỹ BHXH” nên cũng không được chấp nhận.
|
Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, mà không giảm biên chế thì sẽ không loại được những người không đáp ứng được yêu cầu ra khỏi bộ máy. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, tất cả những người không đáp ứng được yêu cầu công việc đều có thể bị loại.
Ý KIẾN
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN: Nên làm từ từ
Bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng – mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng; mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của người lao động (NLĐ) cao hơn thì cũng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Có nhiều phương án nâng thời gian đóng, tuy nhiên để cân đối hài hòa, nên làm từ từ, tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 58 tuổi, nam 62. Có thể sau một thời gian nữa sẽ điều chỉnh tiếp. Chúng tôi cũng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo từng nhóm đối tượng, loại hình LĐ, sao cho phù hợp với điều kiện LĐ và sức khỏe.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận LĐ trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu. Còn sau đó, khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ): Nếu để họ về hưu ở tuổi 60 thì rất lãng phí
Những nhà lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ cơ sở và lên được vị trí cao có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu để họ về hưu ở tuổi 60 như hiện nay thì rất lãng phí. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và không gây sức ép lên ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến lo ngại.
Trong một cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, khi một người ra khỏi bộ máy thì có một người khác bước vào. Người sắp nghỉ hưu lương cao, nhưng người trẻ lương lại thấp, nên bình quân thì mức lương vẫn không thay đổi. Tuy nhiên cũng có một thực tế rằng, nhiều người không muốn làm việc tới tuổi nghỉ hưu, họ giữ vị trí là do “bị buộc phải làm”. Với những trường hợp này, nhà nước có chính sách tinh giản biên chế, cho thôi việc, nghỉ hưu sớm nếu họ có nhu cầu.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN): 10 năm nữa hãy bàn tăng tuổi nghỉ hưu Nhiều người dẫn chứng các nước như Singapore, Nhật Bản kéo dài tuổi nghỉ hưu, nước mình cũng phải theo xu thế của thế giới. Vậy thử hỏi, nền kinh tế VN có bằng Singapore, bằng Nhật không? Đó là những nước phát triển, thiếu nhân lực, họ kéo dài nghỉ hưu là để tận dụng thêm sức LĐ. Còn VN, tăng tuổi hưu chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn lại phải hy sinh một bộ phận khá lớn là lớp trẻ. Thị trường đang thừa LĐ, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có hàng triệu thanh niên không có việc làm. Tôi cho rằng, lý do tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ BHXH không thuyết phục. Nếu vỡ quỹ, những người trong lĩnh vực BHXH phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không nên đổ dồn trách nhiệm cho lực lượng LĐ. Những nhà làm luật hãy đi hỏi công nhân LĐ, sự thực là họ muốn nghỉ từ 40 – 45 tuổi, không cần phải đợi đến 55 mới về hưu. Nếu ban soạn thảo trình phương án tăng tuổi hưu, rất có thể chúng tôi sẽ có một cuộc khảo sát để xã hội thấy rằng, những người LĐ thực sự muốn nghỉ. Trong tương lai, khoảng 10 năm nữa, khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn, tăng tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích cho NLĐ.
Bà Phạm Tuyết Nhung, Trưởng ban Đối ngoại (Hội Người cao tuổi VN): Tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến đặc thù từng ngành nghề Những ý kiến đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu đưa ra chưa thật khách quan và toàn diện. Khi bàn nâng tuổi nghỉ hưu, hầu như họ chỉ nghĩ tới đối tượng công chức viên chức nhà nước và những cơ quan doanh nghiệp thuộc về nhà nước chứ chưa nghĩ tới tổng thể các doanh nghiệp thuộc các khu vực tư nhân hoặc khu vực khác. Chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể rằng tuổi nghỉ hưu là để bảo vệ con người, bảo vệ NLĐ, không thể đánh đồng tất cả các lực lượng LĐ và trình độ như nhau. Chẳng hạn một GS-TS ra trường năm 22 tuổi, làm thạc sĩ, TS, GS đến tận 50 tuổi nhưng 60 tuổi họ về hưu không thể so với một công nhân đứng ở nhà máy chế biến thủy sản cả ngày trong môi trường ẩm ướt, mới đến 30 tuổi đã không còn đủ sức.
Quan điểm của tôi, nếu như đưa ra một chính sách hợp lý ta phải tính đến tính đặc thù cụ thể của từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm nam nữ phải lệch nhau, nữ phải về hưu trước nam. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân: Sẽ tính toán theo lộ trình Hiện cơ quan soạn thảo còn đang cân nhắc chưa chốt phương án cuối cùng. Một trong những phương án đề xuất tăng lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng từ 55 lên 58 và nam giới tăng từ 60 lên 62. Đây cũng là phương án từng đề xuất trong lần sửa đổi luật BHXH năm 2014, nhưng chưa được thông qua. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng sẽ xem xét các phương án khác như điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu là câu chuyện của thế giới, không chỉ riêng của VN. Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo, có thể tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ phân ra các ngành nghề, đối với các ngành nặng nhọc độc hại thì không kéo dài tuổi nghỉ hưu. Để tránh “gây sốc”, cơ quan soạn thảo sẽ tính tăng dần theo lộ trình, có thể 3 – 4 năm thậm chí 5 năm mới tăng thêm 1 tuổi.
T.Hằng (ghi)
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP.HCM: Cần có cơ chế hết sức linh hoạt
Tôi nghĩ rằng nền kinh tế VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ và các tỉnh, thành đề ra và thực hiện mạnh mẽ, quy mô nền kinh tế mở rộng… thì vị trí việc làm mới chắc chắn sẽ tăng lên. Thực tế với đại đa số người LĐ, việc tăng tuổi hưu hay không thật sự không quan trọng bằng việc tăng thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho tốt lên.
Ở nhiều nước, không ai “nghỉ một cái là hưởng hưu trí liền”. Chúng ta cần có cơ chế hết sức linh hoạt. Cũng có thể vẫn giữ tuổi LĐ như hiện nay nhưng tăng tuổi hưởng hưu lên. Khoảng thời gian ở giữa, nếu ai có nhu cầu thì tiếp tục làm cho đến lúc hưởng hưu trí, ai không có nhu cầu thì nghỉ chờ hưu và trong thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu thì họ hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 60% mức lương bình quân đã đóng.
Tân Phú (ghi)
|
Nguồn: thanhnien.vn