Giao các lãnh đạo phải có học vị tiến sĩ, thạc sĩ
Nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Đèo Cả từng giao nhiệm vụ học tập và nghiên cứu đối với các phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn (không bao gồm thành viên độc lập HĐQT) vào tháng 10/2023. Theo đó, các phó chủ tịch tập đoàn phải tham gia chương trình nghiên cứu sinh theo lĩnh vực được phân công và đến 31/12/2028 đạt học vị tiến sĩ.
HĐQT cũng giao nhiệm vụ học tập và nghiên cứu đối với Ban điều hành Tập đoàn, Ban điều hành đơn vị thành viên và Văn phòng HĐQT gồm chánh căn phòng/phó chánh văn phòng, trợ lý, thư ký, chuyên viên tổng hợp. Họ phải tham gia học tập chương trình cao học theo lĩnh vực chuyên môn được phân công đến 31/12/2026, đạt học vị thạc sĩ.
HĐQT giao tổng giám đốc phụ trách quản lý điều hành chung quyết định danh sách nhân sự tham gia các chương trình nói trên.
Theo giới thiệu trên website, Tập đoàn Đèo Cả có 7 phó chủ tịch HĐQT đều có học vị thạc sĩ. Bản thân ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT – cũng là kỹ sư điện, Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Như vậy theo yêu cầu từ HĐQT, các vị phó chủ tịch có 5 năm để hoàn thành chương trình học lên tiến sĩ.
Nói về quyết định này, trang thông tin của Tập đoàn Đèo Cả nêu: Văn hóa và con người là 2 thứ không thể vay mượn được. Ở Đèo Cả, học tập là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục song hành với hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cấp trình độ của hệ thống và đa dạng hóa năng lực cho mỗi cá nhân để đáp ứng yêu cầu của công việc đặt ra trong thời gian tới.
Lập viện đào tạo, viện bị nêu chậm đóng bảo hiểm
Tháng 9/2023, Đèo Cả và Trường đại học Giao thông vận tải TPHCM (UTH) cũng đã công bố thành lập Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả (DCI).
Mục tiêu của Viện là thực hiện các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; cung cấp nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực xây dựng công trình, hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam. Viện cũng tham mưu chính sách, chiến lược phát triển công nghệ vật liệu và hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam.
Đề cao giáo dục, học tập nhưng Viện DCI lại chậm đóng bảo hiểm xã hội và đã bị Bảo hiểm xã hội TPHCM khóa thẻ, theo danh sách công bố ngày 19/3. Tại thời điểm khóa thẻ, viện có 4 lao động.
Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị nào?
Theo thông tin giới thiệu trên website doanh nghiệp, Tập đoàn Đèo Cả tiền thân là một Xí nghiệp sản xuất xây dựng, xây lắp điện Hải Thạch (Phú Yên), ra đời năm 1985. Ông Hồ Minh Hoàng đã kế tục gia đình, nhận chuyển giao và tiếp nối trong việc quản trị, tái sắp xếp và ổn định doanh nghiệp.
Năm 2009, Hải Thạch đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi “lấn sân” sang một địa hạt mới – thực hiện công trình hầm đường bộ Đèo Cả (nối Phú Yên và Khánh Hòa) với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu thi công các hạng mục chính.
Đến năm 2018, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, tái cấu trúc để hiện thực hóa các chiến lược đầu tư kinh doanh.
Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư, tổng thầu thi công các công trình hạ tầng giao thông lớn như chuỗi hầm đường bộ tại khu vực miền Trung gồm hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân; các tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận; hầm đường Bao biển và cầu Tình Yêu trên Vịnh Cửa Lục (Quảng Ninh)…
Theo báo cáo tài chính mới nhất mà Tập đoàn Đèo Cả công bố, tổng tài sản đạt hơn 43.778 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023. Công ty có lợi nhuận lũy kế hơn 576 tỷ đồng.
Tổng nợ vay tài chính hơn 21.315 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn. Tỷ lệ nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Trong nửa đầu năm 2023, tập đoàn có lãi gần 307 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn Đèo Cả cũng vừa ký hợp tác với Trường Đại học Đông Á về đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực, cụ thể hóa việc thành lập Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả. Mục tiêu hợp tác nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Tập đoàn Đèo Cả và cho ngành giao thông vận tải dựa vào khả năng, thế mạnh của các bên về năng lực, kinh nghiệm, nguồn lực, cơ sở vật chất. Dự kiến, Viện Đào tạo thực hành Đèo Cả sẽ được ra mắt vào tháng 4/2024.
Nguồn: dantri.com.vn