Thắc mắc nêu trên về đóng BHXH cho người đi xuất khẩu lao động này của chị Phùng Thanh Thúy, bạn đọc Báo Thanh Niên.
Về vấn đề này, BHXH TP.HCM cho biết theo quy định của luật BHXH, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
BHXH TP.HCM cho hay mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc.
Và mức đóng bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH 1 lần.
Phương thức đóng được thực hiện 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng đóng 1 lần hoặc đóng trước 1 lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trường hợp đóng qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.
Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký hợp đồng lao động mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.
BHXH TP.HCM cũng lưu ý, theo quy định hiện hành, nếu người lao động đã đóng BHXH tại nước làm việc thì nếu nước đó ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với Việt Nam thì người lao động sẽ không phải đóng BHXH tại Việt Nam và ngược lại.
Nguồn: thanhnien.vn