Những ngày tháng 5/2021, khi làn sóng Covid-19 thứ 4 tái bùng phát tại Việt Nam, Nguyễn Tình – nhân viên tư vấn tại một công ty bảo hiểm trên phố Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội chuyển sang làm việc tại nhà. Do đặc thù công việc, sự thay đổi này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả công việc của cô gái 28 tuổi. “Thậm chí, việc ký kết hợp đồng còn thuận lợi hơn khi mọi người có xu hướng quan tâm hơn đến sức khỏe của mình cũng như những người thân”, Tình cho biết.
Nguyễn Tình nằm trong gần một triệu lao động có thu nhập ổn định trong thị trường bảo hiểm Việt Nam. Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, những nhân viên tư vấn bảo hiểm có kết quả kinh doanh khả quan không phải là thiểu số.
Thực tế, bức tranh thị trường bảo hiểm vẫn khởi sắc trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành. Cụ thể, theo số liệu từ cơ quan quản lý về bảo hiểm, năm 2020, thị trường duy trì đà tăng trưởng 15% so với năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 184.662 tỷ đồng, theo số liệu từ cơ quan quản lý.
Năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết tốt quyền lợi cho khách hàng, chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 48.223 tỷ đồng (tăng 11,4% so với cùng kỳ 2019). Các doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xã hội khi đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 460.457 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ 2019).
Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2020, các doanh nghiệp bảo hiểm khởi đầu quý I năm nay khá thuận lợi. Tổng doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ ước đạt hơn 14.884 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm 2020, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam.
Những tháng đầu năm 2021, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 87%, bảo hiểm xe cơ giới tăng 7%, bảo hiểm tài sản, thiệt hại và bảo hiểm vận chuyển hàng hóa lần lượt tăng trưởng là 16% và 15%, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu tăng trưởng 7%, bảo hiểm hàng không tăng trưởng 37%, bảo hiểm cháy nổ tăng trưởng 11%…
Nhiều doanh nghiệp trong ngành công bố kết quả kinh doanh tích cực, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi từ dịch bệnh. Đơn cử, Tập đoàn Bảo Việt kết thúc ba tháng đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.959 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 499 tỷ đồng, tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng doanh thu của Bảo hiểm PVI cũng đạt 2.893,7 tỷ đồng, hoàn thành 112,7% kế hoạch quý I, tăng trưởng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2021 được ban lãnh đạo Bảo hiểm PVI kỳ vọng hoàn thành trước kế hoạch.
Bảo hiểm Bảo Minh cũng kết thúc quý I với những điểm sáng trong bức tranh tài chính. Tổng doanh thu đạt 1.283 tỷ đồng, tăng trưởng 5,39% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 25,53% kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua – vượt 0,53% tiến độ kế hoạch bình quân. Lợi nhuận trước thuế đạt 87,6 tỷ đồng, tăng trưởng 71,4% so với cùng kỳ và đạt 31,62% kế hoạch đại hội đồng cổ đông thông qua.
Giới chuyên gia nhận định, nếu như đầu năm 2020, Covid-19 đã khiến cho thị trường bảo hiểm phải mất một thời gian dài để thích ứng, thì trong năm 2021, đa phần các doanh nghiệp đã có phương án thích ứng với tác động của dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh. Sự bùng phát trở lại của Covid-19 có tác động nhiều đến doanh nghiệp bảo hiểm nhưng đều đã nằm trong dự đoán của các công ty bảo hiểm.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 72 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Hoài Phong
Nguồn: vnexpress.net