Đóng bảo hiểm nhỏ giọt suốt nhiều năm
Ngày 7-10, ông Nguyễn Hùng Anh – phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng – cho biết hiện có một số công ty chậm đóng số tiền lớn nhưng chủ yếu tiền lãi, hằng tháng chỉ đóng số phát sinh.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm nay nhưng hiện nay chưa có cơ chế xử lý.
Cụ thể như trường hợp Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng, tính đến hết tháng 9-2023, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hơn 816 triệu đồng.
Trong đó chậm đóng các loại bảo hiểm là khoảng 48 triệu đồng, còn lại là tiền lãi chậm đóng (phát sinh nợ từ nhiều năm trước khi đơn vị còn nhiều lao động).
Cá biệt, có trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Seaprodex chậm đóng tiền liên quan tới các loại bảo hiểm là khoảng 373 triệu đồng.
Trong đó chậm đóng các loại bảo hiểm là khoảng 4 triệu đồng, còn lại là tiền lãi khoảng 369 triệu đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng, hầu hết các doanh nghiệp này từ nhiều năm qua, hằng tháng chỉ đóng số phát sinh vài triệu đồng cho người lao động.
“Hiện nay chưa có quy định về cơ chế xử lý tiền chậm đóng đối với đơn vị đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn, mất tích” – ông Hùng Anh nói.
Giải pháp nào với đơn vị “làm lơ” đóng bảo hiểm?
Theo ông Hùng Anh, cần sớm có cơ chế xử lý số tiền chậm đóng tại các đơn vị này nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Để hạn chế tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ông Hùng Anh cho rằng có thể bổ sung các giải pháp như không để đơn vị chậm đóng bảo hiểm được tham gia đấu thầu dự án của Nhà nước, không được vay vốn với lãi suất ưu đãi.
Sửa đổi các quy định về khởi kiện, khởi tố, cưỡng chế trích chuyển tài khoản của đơn vị chậm đóng… sao cho khả thi, hiệu quả.
Thậm chí có giải pháp hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật để buộc họ có trách nhiệm với quyền lợi chính đáng của người lao động.
Trước đó, tại hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi khu vực miền Trung do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều đơn vị cũng đã kiến nghị phải có biện pháp mạnh với tình trạng doanh nghiệp làm lơ đóng bảo hiểm.
Tránh tình trạng chậm đóng bảo hiểm kéo dài gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động.
Không chấp hành kết luận thanh tra về bảo hiểm
Bên cạnh đó, một số đơn vị không chấp hành kết luận thanh tra, tiếp tục chậm đóng, diễn biến phức tạp.
Điển hình như Chi nhánh II – Công ty CP Công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng đã nhiều lần thanh tra, bị xử phạt 150 triệu, số tiền chậm đóng tiếp tục tăng lên 11,3 tỉ đồng (bao gồm lãi hơn 2,6 tỉ đồng); Công ty CP Cơ khí – Lắp máy Sông Đà – chi nhánh 5 tại Đà Nẵng bị xử phạt 150 triệu, đến nay vẫn còn chậm đóng hơn 11,4 tỉ đồng (bao gồm lãi hơn 7 tỉ đồng)…
Nguồn: tuoitre.vn