Giảm mức đóng BHXH từ 15.7
Theo quy định tại Nghị định 58/2020/NĐ-CP về mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, áp dụng từ ngày 15.7.2020, mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định giảm mức đóng BHXH bắt buộc, bằng 0,3% quỹ tiền lương (thay vì đóng 0,5% như mức bình thường) đối với doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:
Là doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong vòng 3 năm liền trước năm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động, BHXH.
Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 3 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 3 năm liền kề trước năm đề xuất.
Gửi trả kết quả trong 30 ngày
Nghị định quy định thủ tục đề xuất doanh nghiệp xin giảm mức đóng BHXH bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo 3 bước như sau:
Bước 1 (chuẩn bị hồ sơ đề xuất): Doanh nghiệp đáp ứng điều kiện chuẩn bị một bộ hồ sơ đề xuất bao gồm các loại giấy tờ: văn bản đề nghị (theo mẫu) tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58; bản sao chứng thực Báo cáo đánh giá công tác an toàn, vệ sinh lao động và giảm tần suất tai nạn lao động được thực hiện bởi tổ chức đánh giá an toàn, vệ sinh lao động.
Bước 2 (nộp hồ sơ đề xuất): Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ đề xuất (đã chuẩn bị ở Bước 1) về Bộ LĐ-TB-XH thông qua một trong các hình thức: nộp trực tiếp; nộp trực tuyến hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3 (nhận kết quả): Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của người sử dụng lao động, Bộ LĐ-TB-XH sẽ gửi hoặc trả kết quả trực tiếp hoặc trực tuyến hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp và cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện.
Trường hợp không đủ điều kiện áp dụng mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường thì phải trả lời cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
BHXH Việt Nam, lưu ý nếu được chấp nhận thì thời hạn thực hiện mức đóng thấp hơn là 36 tháng, kể từ tháng quyết định áp dụng mức đóng có hiệu lực.
Trong vòng 60 ngày trước ngày hết hạn áp dụng mức đóng thấp hơn, nếu người sử dụng lao động vẫn có nhu cầu thì lập tiếp 1 bộ hồ sơ và thực hiện đề nghị theo trình tự nêu trên.
Đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định ở trên; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Dù đóng với mức thấp hơn, quyền lợi liên quan đến chế độ tai nạn lao động của người lao động vẫn không thay đổi.
Nguồn: thanhnien.vn