Thắc mắc nêu trên về việc chốt sổ BHXH là của anh Trương Công Thành (ngụ TP.HCM), bạn đọc Báo Thanh Niên.
Luật sư tư vấn
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại điều 48, bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH cùng những giấy tờ khác đã giữ của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, tại điều 21 của luật BHXH năm 2014 cũng nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động là phối hợp cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Khi hợp đồng lao động chấm dứt, người sử dụng lao động phải tiến hành thủ tục chốt sổ BHXH cho người lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động chốt được sổ BHXH chỉ khi đóng đầy đủ tiền BHXH cho cơ quan bảo hiểm, không nợ tiền tính đến tháng cuối cùng mà người lao động làm việc.
Theo luật sư Tuấn, người lao động không thể tự chốt sổ BHXH (trừ trường hợp doanh nghiệp phá sản và nợ bảo hiểm nên không thể chốt sổ BHXH cho người lao động).
Cụ thể, theo quy định tại Công văn 2525/2023 của BHXH Việt Nam về việc ban hành văn bản hợp nhất Quy trình thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp,… đối với doanh nghiệp nợ tiền BHXH, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm đóng đủ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, người lao động có thể được chốt sổ bảo hiểm khi doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH. Tuy nhiên, có trường hợp doanh nghiệp cố tình không đóng đủ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp dẫn đến ảnh hưởng đến việc xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm của người lao động.
Tại TP.HCM, tính 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM có hơn 82.000 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với tổng số tiền hơn 6.222 tỉ đồng. Hồi cuối tháng 7.2023, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp BHXH TP.HCM thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị. Đồng thời, đề nghị xác minh, củng cố hồ sơ và đề nghị khởi tố một vài đơn vị chậm đóng BHXH.
Vấn đề này tiếp tục được công đoàn viên, người lao động kiến nghị tại Đại hội Công đoàn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 (diễn ra từ ngày 22 – 24.9). Cụ thể, đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan xử lý nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, không để nợ BHXH quá lớn rồi mới tiến hành xử lý hành chính hoặc hình sự, vì khi tiến hành xử lý thì quyền lợi hợp pháp của người lao động đã bị thiệt hại.
Đồng thời, kiến nghị trong sửa đổi luật BHXH cần có quy định xác định cơ quan quản lý nhà nước xử lý việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Nguồn: thanhnien.vn