Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng doanh thu phí bảo hiểm (gồm nhân thọ và phi nhân thọ) quý III ước đạt 52.900 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2022. Quý trước đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm cũng đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ, đạt 61.300 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.600 tỷ đồng, giảm gần 7% so cùng kỳ 2022. Đây là lần đầu sau gần chục năm, doanh thu bảo hiểm 9 tháng sụt giảm.
Mức giảm doanh số của thị trường chủ yếu đến từ mảng bảo hiểm nhân thọ (mảng này đang chiếm 70% doanh thu toàn thị trường). Nửa đầu năm nay, mảng phi nhân thọ vẫn tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ 2022, còn tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ giảm hơn 6.700 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đầu ngành ghi nhận lãi sau thuế 6 tháng đầu năm giảm từ 30% đến 40%.
Những năm qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, nhất là kênh bán qua ngân hàng, đã tăng trưởng nhanh, song xuất hiện nhiều mặt trái như ngân hàng ép khách vay mua kèm bảo hiểm hoặc đánh tráo khái niệm giữa bảo hiểm với gửi tiết kiệm.
Bộ Tài chính cho biết đã và đang thực hiện các cuộc thanh tra với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào liên kết kinh doanh giữa doanh nghiệp với ngân hàng.
Sau khủng hoảng xuất phát từ kênh phân phối qua ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động lựa chọn chiến lược tăng trưởng chậm lại, chấn chỉnh lại kênh đại lý truyền thống và ngân hàng.
Với kênh phân phối qua ngân hàng, một lãnh đạo bảo hiểm trong top 5 thị phần khẳng định với VnExpress sẽ yêu cầu ngân hàng đối tác cam kết về tỷ lệ duy trì hợp đồng trong lần tái ký hợp tác sắp tới.
“Doanh nghiệp bảo hiểm phải cẩn trọng với hầu bao của mình hơn thay vì chi tiền dễ dàng như giai đoạn trước”, lãnh đạo này nói. Với kênh đại lý truyền thống, doanh nghiệp này thời gian qua cũng bắt đầu áp dụng tỷ lệ duy trì hợp đồng với đại lý và đang có những bước chuyển lớn nhằm nâng cấp quy trình bán hàng chặt chẽ hơn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiện đã sử dụng kịch bản “cuộc gọi chào mừng khách hàng” mới nhằm đảm bảo rằng khách hàng đã được tư vấn đúng và đủ. Thay vì những câu hỏi “có hoặc không” chỉ mang tính xác nhận khách hàng là có thật như trước, doanh nghiệp đã đặt ra nhiều câu hỏi trực diện giúp khách hàng nhận thức được những vấn đề trước nay thường bị bỏ qua hoặc hiểu nhầm.
Từ đầu tháng 7 năm nay, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm, đưa vào một số quy định đối với bộ phận chuyên trách bảo hiểm tại ngân hàng và yêu cầu có bàn giao dịch riêng để tư vấn bảo hiểm tách biệt với khu vực giao dịch… Thông tư hướng dẫn chi tiết về Nghị định này đang được cơ quan soạn thảo lấy ý kiến, dự kiến ban hành trong thời gian tới.
Quỳnh Trang
Nguồn: vnexpress.net