Hiện thực hóa lương hưu
Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng.
Chị Trần Thị Tính (40 tuổi), công nhân tại tỉnh Bình Dương cho hay, chị không khỏi vui mừng khi hay tin số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng được kéo giảm 5 năm so với quy định hiện hành.
Trước đó, chị Tính đã nghỉ việc ở công ty cũ từ tháng 11/2023. Thời điểm ấy, chị quyết định rút BHXH một lần, được hơn 70 triệu đồng. Số tiền khi ấy chỉ đủ để chị giải quyết một số khó khăn trước mắt, chi tiêu trong gia đình. Sau một thời gian, khoản tiền tích lũy suốt hơn 10 năm trước đó không còn lại bao nhiêu.
Chị Tính khi đó mới thấy, số tiền rút bảo hiểm sẽ khó giữ được đến lúc về già. Giờ đây, chị mong muốn đóng được BHXH đủ năm, để khi nghỉ được hưởng lương hưu hằng tháng hơn là nhận một cục tiền không đáng kể.
Vừa nhận việc mới từ tháng 4/2024, đến nay, chị Tính chỉ đóng BHXH được vài tháng. Ở tuổi 42, chị Tính chia sẻ, tính theo quy định cũ thì làm việc đến tuổi nghỉ hưu chị cũng chưa đóng đủ 20 năm BHXH.
May sao, theo quy định mới sẽ áp dụng sau 1 năm nữa, thời gian đóng bảo hiểm rút xuống còn 15 năm. Chị Tính mừng khi bản thân sẽ vừa kịp hưởng lương hưu khi đến tuổi.
“Con cái đều đã có cuộc sống, gia đình riêng. Tôi không muốn đến khi về già, mất sức lao động lại là gánh nặng cho các con. Mặc dù lương hưu không quá nhiều nhưng đó cũng là sự đảm bảo cho tôi khi về già”, chị Tính nói.
Ngọc Trâm (22 tuổi), công nhân tại tỉnh Bình Dương, chia sẻ rằng nhiều đồng nghiệp xung quanh có xu hướng rút BHXH một lần, dẫn đến chuyện đáng tiếc là nghỉ việc đột ngột sau thời gian dài có tay nghề.
“Đa phần công nhân sẽ nghĩ việc đóng BHXH như một hình thức tích cóp, chờ đến lúc được rút một số tiền lớn, mang về quê làm ăn, buôn bán nhỏ. Tuy nhiên, rất ít người làm được điều đó, có nhiều người rút ra xong rồi cũng tiêu xài hết”, Trâm nói.
Theo quan điểm của Trâm, việc đóng BHXH đủ năm rồi hưởng lương hưu sẽ mang lại lợi ích lâu dài về an sinh cho người lao động hơn là rút BHXH một lần. Điều đó cũng góp phần giảm số lượng người có hoàn cảnh khó khăn, mất sức lao động, không có nguồn thu khi về già.
Hệ thống BHXH linh hoạt hơn
Qua khảo sát thực tiễn, BHXH VN cho hay, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu (20 năm) quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động.
Vì vậy, theo cơ quan này, quy định mới tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có cơ hội tích lũy đủ 15 năm đóng (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Quy định này cũng thể hiện được tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra là “sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.
Cũng trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quy định giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm giúp những người lao động tham gia BHXH muộn có cơ hội được hưởng lương hưu.
Việc giảm số năm đóng tối thiểu cũng giúp nhiều người lao động sẵn sàng tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, luật quy định, nếu người lao động ở trong hệ thống, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ nhận được một khoản trợ cấp.
Theo bà Hương, đưa tầng hưu trí xã hội gắn vào hệ thống BHXH để hình thành lưới an sinh đa tầng là điểm ưu việt của luật mới. Trong hệ thống hưu trí đa tầng, thì tầng thấp nhất là hưu trí xã hội. Hệ thống đa tầng đảm bảo an sinh về già cho người lao động.
Nguồn: dantri.com.vn