Cử tri An Giang đề nghị điều chỉnh số năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận lương hưu của nam để đảm bảo công bằng giữa tuổi nghỉ hưu và số năm đóng bảo hiểm xã hội giữa nam và nữ.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận trong Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và thống nhất thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó nội dung tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu được quy định tại Điều 169 và Điều 219.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Ngày 29/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trong đó tiếp tục kế thừa, đảm bảo tính thống nhất về tuổi nghỉ hưu đã được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, đồng thời điều chỉnh giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm (áp dụng đối với cả lao động nam và lao động nữ).
Điều này nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn có cơ hội được hưởng lương hưu và bảo hiểm y tế khi về già và quy định lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 40% tương ứng 15 năm đóng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Quy định đã nêu đảm bảo tốt hơn mức hưởng lương hưu của lao động nam nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm.
Nguồn: dantri.com.vn