Từ năm học 2014 – 2015 trở về trước, thù lao công việc của bà Nguyễn Hoàng Ngọc Diễm, nhân viên y tế học đường Trường tiểu học số 2 Hòa Vinh, H.Đông Hòa (Phú Yên), được trích một phần kinh phí của 12% tổng số thu BHYT do HS đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).
Tuy nhiên, từ năm học 2015 – 2016, khi BHXH H.Đông Hòa thực hiện Thông tư liên tịch 41/2014 thì bà Diễm không được chi trả tiền công thù lao cho công việc này. Vì vậy, hơn một tháng trước khi kết thúc năm học 2015 – 2016, bà Diễm không làm công việc này nữa và phòng y tế của trường đóng cửa.
Cùng tình cảnh như bà Diễm, ông Trương Tứ Vinh, y tá quân y, được BHYT Phú Yên ký quyết định điều động làm nhân viên y tế học đường tại Trường tiểu học số 1 Hòa Hiệp Bắc (H.Đông Hòa) từ năm 2002. Đến năm học 2015 – 2016, ông làm nhân viên y tế học đường cho 3 trường, thế nhưng suốt năm học vừa qua ông cũng không nhận được một đồng thù lao nào từ công việc này.
Theo ông Nguyễn Xuân Vỹ, Giám đốc BHYT H.Đông Hòa, từ sau năm 2002, khi BHYT và BHXH sáp nhập thành một đơn vị BHXH thì đơn vị này không còn hợp đồng với nhân viên y tế tại các trường học trên địa bàn H.Đông Hòa nữa nên không có trách nhiệm trả lương cho những người này. Trong khi đó, lãnh đạo các trường học cũng cho biết trường không ký hợp đồng lao động với nhân viên y tế, vì vậy không có trách nhiệm trả lương cho họ.
“Theo quy định của Thông tư 41/2014, BHXH trích lại cho các trường học 7%/tổng số thu BHYT để các trường mua sắm thiết bị y tế phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho HS. Số tiền này tuyệt đối không được sử dụng vào việc trả thù lao cho nhân viên y tế học đường”, ông Vỹ khẳng định.
Thông tư 41/2014 quy định, để được trích khoản kinh phí 7%/tổng số thu BHYT, các trường phải ký hợp đồng với nhân viên y tế có trình độ chuyên môn từ trung cấp y trở lên, có cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động y tế. Tuy nhiên, theo BHXH H.Đông Hòa, qua khảo sát tại các trường học ở địa phương này, phần lớn nhân viên y tế không tốt nghiệp trung cấp y; cơ sở vật chất không đảm bảo cho hoạt động y tế ban đầu.
Chính vì vậy, dù năm học 2015 – 2016 đã kết thúc, nhưng đến nay BHXH vẫn chưa thể chuyển số tiền này cho các trường. Ngoài việc không có nhân viên y tế, các trường cũng không có kinh phí để mua sắm thiết bị y tế phục vụ việc sơ cứu ban đầu cho hơn 21.600 HS từ mầm non đến THCS, dù HS có tham gia BHYT.
“Nếu không có nhân viên y tế học đường thì quyền lợi của HS bị bỏ rơi, và hơn nữa các trường khó mà đạt chuẩn quốc gia như Bộ GD-ĐT quy định về tiêu chí y tế”, ông Lê Tấn Sang, Trưởng phòng GD-ĐT H.Đông Hòa, lo lắng.
Nguồn: thanhnien.vn