Đây là đề xuất được Bộ LĐ-TB-XH đưa vào dự thảo luật BHXH (sửa đổi) đang lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu để giúp cải thiện mức lương hưu.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), điều 58 luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động có thời gian đóng BHXH dài, vượt quá thời gian đóng BHXH để được hưởng tỷ lệ lương hưu 75% (trên 35 năm đối với lao động nam và trên 30 năm đối với lao động nữ) thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần cho thời gian đóng vượt quá.
Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Theo đó, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5% tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Tuy nhiên, ông Cường cho hay, qua thực tiễn thi hành luật BHXH 2014 đến nay, tại một số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu, có thời gian đóng BHXH đạt tỷ lệ tối đa 75%, về cơ bản họ tạm thời chấm dứt để làm thủ tục giải quyết nghỉ hưu với cơ quan BHXH. Sau đó, người lao động lại tham gia giao kết hợp đồng lao động để làm việc tiếp.
“Với quy định hiện hành không khuyến khích được người đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục tham gia BHXH. Hơn nữa, mức hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cho mỗi năm đóng BHXH (sau số năm mà người lao động được tính hưởng theo tỷ lệ 75%) là 0,5 lần mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là chưa phù hợp, không mang tính chất khuyến khích người lao động đóng BHXH trong thời gian dài, đặc biệt là người tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu”, ông Cường phân tích.
Vì vậy, nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, để vừa giúp cải thiện mức lương hưu, gia tăng quyền lợi cho người lao động, vừa góp phần bảo vệ tốt hơn cho người lao động trong quá trình làm việc, tại dự thảo luật BHXH (sửa đổi) đưa ra 2 phương án có sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.
Phương án 1 (giữ nguyên quy định hiện hành): mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Phương án 2: mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo số năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Đối với trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng BHXH thì mỗi năm đóng BHXH sau độ tuổi nghỉ hưu cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
“Ưu điểm của phương án 2, đối với các trường hợp làm việc sau tuổi nghỉ hưu, mức hưởng trợ cấp cho mỗi năm đóng BHXH sẽ tính 2 tháng lương thay vì 0,5 tháng lương như hiện tại. Mong muốn của chúng tôi là khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu, đảm bảo quyền lợi tốt hơn của người lao động, mức lương hưu sẽ cao hơn. Trong quá trình làm việc sau tuổi nghỉ hưu, do họ vẫn tham gia BHXH nên sẽ được hưởng các quyền lợi liên quan đến chế độ ốm đau và nhiều chế độ khác đảm bảo tốt hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo bộ luật Lao động 2019, người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của người lao động được điều chỉnh cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ. Từ năm 2021, sau mỗi năm, tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ tăng 3 tháng và lao động nữ sẽ tăng 4 tháng.
Dự kiến, luật BHXH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, khi đó tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ là 56 tuổi 8 tháng và lao động nam là 61 tuổi 3 tháng.
Nguồn: thanhnien.vn