Hôm 2-6, báo Người Đại Biểu Nhân Dân đã tổ chức tọa đàm bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm.
100 khách hàng cùng ký vào một đơn khiếu nại
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng – phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội – cho biết Ban Dân nguyện có nhận được một đơn khiếu nại. Nội dung về việc một công ty bảo hiểm thông qua kênh ngân hàng có hành vi lừa dối khách hàng gửi tiền tiết kiệm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
“Tiêu đề là “Đơn khiếu nại” nhưng toàn bộ nội dung của nó lại ở dạng tố cáo. Đơn này của khoảng 100 công dân khiếu nại và họ cùng ký vào một đơn” – ông Nhưỡng cho hay.
Về những bức xúc của người tham gia bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây, bà Phạm Thu Phương – phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính – cho biết trên thực tế, có hiện tượng nhân viên ngân hàng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn. Trong khi đó, theo quy định, hành vi ép buộc khách hàng là bị cấm.
“Theo số liệu thống kê của chúng tôi, phần lớn bức xúc, khiếu nại là do khách hàng tham gia bảo hiểm qua tổ chức tín dụng gặp khó khăn thời gian qua.
Các tồn tại, hạn chế phát sinh trong thị trường bảo hiểm nhân thọ đã đi ngược lại bản chất nhân văn của bảo hiểm nhân thọ, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ cần chấn chỉnh lại!” – bà Phương nói.
Cần công khai ‘hạnh kiểm’
Để bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online bên lề tọa đàm, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cơ quan quản lý phải định kỳ công bố kết quả đánh giá “hạnh kiểm” của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Đây là căn cứ quan trọng để người dân biết được doanh nghiệp nào hoạt động tốt, tư vấn đầy đủ, đúng quy định và ngược lại.
Nếu có những thông tin này thì không ai bỏ tiền tham gia bảo hiểm với doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, nhân viên tư vấn không đầy đủ cho khách hàng, không giám sát tốt đại lý bảo hiểm…
Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng phải nghiên cứu để tăng chế tài đối với hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Nếu chỉ phạt người ta 1 đồng mà để người ta trục lợi cả nghìn đồng là không ổn.
Về giải pháp để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bà Phương cho biết Bộ Tài chính đề xuất quy định riêng cho hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Bên cạnh đó cần cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bảng tóm tắt hợp đồng bảo hiểm trong đó nêu rõ quyền lợi, nghĩa vụ đóng phí, thời hạn bảo hiểm… Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng đề xuất khống chế mức chi của doanh nghiệp bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm.
Nguồn: tuoitre.vn