Trong khi đó, nhiều người già trong họ hàng tôi có một cuộc sống bớt nhọc nhằn và tự trọng, vì có lương hưu và không phải xin tiền con cái.
Ta thấy có những quan điểm rất khác nhau về việc nên hay không nên rút BHXH 1 lần. “Chín người mười ý”, từ việc đời sống khó khăn, cần tiền trang trải đến những bất an rằng chính sách BHXH sẽ thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhưng dù bất kỳ ý kiến nào, yếu tố quan trọng nhất khi “được, mất” rút BHXH vẫn là “lương hưu”, tuổi già an yên, thanh thản. Rõ nhất vẫn nằm ở chỗ chính sách hưu trí vẫn là quan trọng nhất trong BHXH, bởi trong khoản 32% tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thì đóng cho chế độ hưu trí tới 14%.
Sẽ rất khó đưa ra một giải pháp thống nhất cho rút BHXH 1 lần, vì đó là quyền của người tham gia BHXH. Có nhiều tranh luận trong các hội thảo, nghị trường cho rằng VN phải tăng tỷ lệ đóng BHXH hay phải cấm việc rút BHXH 1 lần như đông đảo các nước trên thế giới. Nhưng trước khi áp dụng các chính sách này, cần nhìn nhận thực tế về chế độ hưu trí: rằng quy định thời gian đóng tối thiểu hưởng lương hưu ở VN còn dài (20 năm); tuổi nghỉ hưu dài trong khi tuổi mất sức lao động lại ngắn và chưa có cơ chế đảm bảo cho lao động trực tiếp sản xuất sau 35 tuổi còn công việc; hay việc lương hưu hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết chi trả cho các chi phí tiêu dùng.
Người viết cho rằng cần có phương thức linh hoạt về BHXH 1 lần để người tham gia lựa chọn. Điều cần làm là tập trung đổi mới tư duy theo hướng đổi mới cách thức phục vụ người tham gia, như giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, linh hoạt đối tượng nhận lương hưu nếu thất nghiệp lâu ngày, chế độ thụ hưởng được nâng cao… nhằm thu hút người tham gia mới và nỗ lực giữ chân người lao động ở lại hệ thống.
Nguồn: thanhnien.vn