Đi làm trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ vẫn được hưởng trợ cấp thai sản
Ngày 25.7, UBND Q.3 tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và triển khai bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND Q.3 cho biết, hội nghị là dịp để quận gặp gỡ, đối thoại, ghi nhận, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Hơn nữa, đây cũng là nền tảng tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, cũng như chủ động tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, kịp thời.
“Q.3 cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng. Đồng thời ghi nhận, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền”, bà Phạm Thị Thúy Hằng khẳng định.
Gần 300 khách mời đại diện cho hơn 250 doanh nghiệp đã đặt 60 câu hỏi về các lĩnh vực bảo hiểm, chế độ thai sản, thuế, lao động… và được đại diện các đơn vị giải đáp.
Đơn cử như doanh nghiệp đặt tình huống người lao động nghỉ thai sản và muốn đi làm lại sớm, thì có được khai báo tăng BHXH (tăng số lượng người đóng BHXH của doanh nghiệp) cho họ không?
Giải đáp câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo, Giám đốc BHXH Q.3 dẫn khoản 4 Điều 139 bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện đi làm trước thời gian nghỉ thai sản.
Cụ thể, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.
Trong thời gian này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH. Đồng thời, đơn vị phải thực hiện thủ tục báo tăng BHXH lại cho người lao động.
Cấp thẻ BHYT giấy cho người cao tuổi
Về câu hỏi có hỗ trợ cấp thẻ BHYT giấy cho người cao tuổi hay không, bà Nguyễn Thị Hồng Thảo cho biết, những người lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh hoặc chưa có căn cước công dân gắn chip thì vẫn được hỗ trợ cấp thẻ BHYT giấy.
Liên quan đến thủ tục cấp sổ BHXH đối với người lao động nước ngoài, bà Thảo giải thích, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Thủ tục đóng BHXH cho công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo các bước tương tự như thủ tục tham gia BHXH cho người lao động trong nước. Nếu người lao động nước ngoài lần đầu tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam sẽ được cấp sổ BHXH theo quy định.
Liên quan đến lĩnh vực thuế, có doanh nghiệp đặt câu hỏi lao động ký hợp đồng trên 3 tháng nếu chưa đóng BHXH thì lương có được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế không.
Đại diện Chi cục Thuế Q.3 giải đáp người lao động dù chưa đóng BHXH nhưng thực tế có lao động tại doanh nghiệp, có chi trả lương và có hợp đồng lao động thì chi phí lương đó được xác định là chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nguồn: thanhnien.vn