Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết trong thời gian tới, Hiệp hội và các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên sẽ phối hợp chặt chẽ và chủ động hơn trong công tác phòng chống gian lận trục lợi bảo hiểm. Các giải pháp được nghiên cứu và triển khai, bao gồm việc lập danh sách đen và danh sách cảnh báo các cơ sở y tế, nhân viên y tế, nhóm bệnh, địa bàn, và các loại sản phẩm dễ bị lợi dụng để gian lận. Hiệp hội chia sẻ kết quả điều tra, phát hiện thủ đoạn gian lận để giúp các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong công tác phòng ngừa.
Cần hệ thống giải pháp và sự hỗ trợ liên ngành
TS Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, bên cạnh quy định pháp luật chặt chẽ, cần có hệ thống giải pháp phòng, chống trục lợi bảo hiểm vì những hậu quả của hành vi này nghiêm trọng. Về mặt khách hàng, các trường hợp gian lận kéo dài thời gian xử lý yêu cầu bồi thường, làm tăng khối lượng công việc cho các phòng ban liên quan, từ đó gây chậm trễ trong việc chi trả cho khách hàng chân chính. Điều này làm suy giảm lòng tin của khách hàng vào chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại TPHCM, hành vi này cũng gây mất cân bằng hệ thống và tăng giá sản phẩm bảo hiểm vì khi phải chi trả cho những yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm không hợp pháp, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh mức phí bảo hiểm để bù đắp tổn thất. Điều này dẫn đến việc khách hàng trung thực phải trả mức phí cao hơn.
Để ngăn chặn các hành vi trục lợi, các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào công tác giám sát và kiểm tra, bao gồm việc triển khai công nghệ và tăng cường quy trình kiểm soát nội bộ.
Một rủi ro khác là doanh nghiệp đối mặt với các yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm sai, dẫn đến việc chi trả không đúng đối tượng, ảnh hưởng đến dòng tiền và lợi nhuận, từ đó ảnh hưởng đến an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Để đạt hiệu quả cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước. Các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung của ngành bảo hiểm, hỗ trợ công tác thẩm định, phát hành hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, cũng như xác minh và điều tra dấu hiệu gian lận.
Các doanh nghiệp bảo hiểm kỳ vọng các bệnh viện tăng cường kiểm soát quy trình liên quan đến khám chữa bệnh, đặc biệt là việc nhận diện bệnh nhân và đảm bảo hồ sơ y tế chính xác, khớp với thông tin nhân thân của bệnh nhân. Chia tách công đoạn trong quy trình lập hồ sơ y tế, hướng dẫn chuyên môn điều trị, kiểm soát các nhóm bệnh dễ bị gian lận hoặc lạm dụng. Các cơ sở y tế có thể thiết lập cơ chế kiểm tra chéo trong các bộ phận quản lý và khoa phòng để ngăn chặn hành vi gian lận.
“Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tích hợp thông tin sức khỏe trên ứng dụng VneID, không có dữ liệu lịch sử khám chữa bệnh của người được bảo hiểm là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác thẩm định trả tiền bảo hiểm nhân thọ hiện nay”, đại diện một đơn vị bảo hiểm nhân thọ tại TPHCM chia sẻ.
Đây sẽ là nền tảng để các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tham chiếu khi ra các quyết định thẩm định trả tiền bảo hiểm.
Nguồn: dantri.com.vn