Ngày 29.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, dự kiến sẽ điều chỉnh 5 nhóm chính sách lớn.
Các nhóm chính sách này gồm: mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng các loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; bảo đảm tính minh bạch, công khai, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan bảo hiểm xã hội trong hoạt động giám định bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, toàn quốc đã có trên 91,067 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 91,1% dân số. Hơn 70% lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến huyện và xã; 80% trạm y tế xã tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% tại tuyến xã.
Quỹ bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh, bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện luật Bảo hiểm y tế vừa qua vẫn còn một số bất cập do nội tại các quy định của văn bản luật trong khi các đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân ngày càng đa dạng hơn.
Một số vấn đề về cơ chế tài chính, trong đó có quy định về bảo hiểm y tế chưa tạo động lực, chưa có cơ chế đặc thù cho sự phát triển của y tế cơ sở; chưa quy định cụ thể, rõ ràng trong quy trình thanh quyết toán cũng như giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho cơ sở khám, chữa bệnh.
Chi bảo hiểm y tế chưa hiệu quả
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số chi bảo hiểm y tế tăng mạnh từ năm 2016 khi bắt đầu thực hiện áp giá dịch vụ y tế kết cấu tiền lương.
Tốc độ gia tăng chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bình quân trong giai đoạn 2014 – 2019 là 18%. Chi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế 9 tháng năm 2022 bằng 99% của 9 tháng năm 2019, mặc dù lượt khám, chữa bệnh giảm 21%. Hiện, bao phủ bảo hiểm y tế trên 90% dân số nhưng chưa đảm bảo cân đối thu, chi trong năm.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, chi bảo hiểm y tế chưa hiệu quả (OOP – tỷ lệ tự chi trả, chi trực tiếp từ tiền túi của bệnh nhân còn cao, khoảng 43%); giải quyết tranh chấp giữa cơ quan giám định với bệnh viện kéo dài.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, cần có giải pháp mở rộng bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; nâng mức hỗ trợ cho một số nhóm còn có tỷ lệ tham gia thấp, thiếu ổn định; ngân sách nhà nước hỗ trợ người mới ra khỏi nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế chuyển sang nhóm tự đóng bảo hiểm y tế.
Đồng thời, nghiên cứu thu gọn các nhóm đối tượng để đơn giản và thuận tiện trong tổ chức thực hiện và mức đóng bảo hiểm y tế công bằng giữa các nhóm, giữa người tuân thủ tham gia và người chậm tham gia bảo hiểm y tế.
Nguồn: thanhnien.vn