Hugo Jose Sanchez và bà Sophie Sanchez – Ảnh: Cảnh sát Thames Valley – Cảnh sát Úc |
Báo Mirror của Anh tháng 12-2012 đưa tin Hugo Jose Sanchez, 57 tuổi, bị dẫn độ từ Úc về Anh sau một cuộc điều tra liên quan vụ lừa đảo kéo dài năm năm. Sự việc bắt đầu vào năm 2007 khi Công ty HMV có trụ sở ở thị trấn Marlow (Anh) trình báo với Sở cảnh sát Thames Valley về một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ họ vừa thanh toán…
Thay tên nhưng không đổi họ
Năm 2004, Alfredo Sanchez, tên thật của Hugo Jose Sanchez, sống cùng người vợ Sophie và bốn đứa con ở thị trấn Farnham thuộc hạt Surrey (Anh). Sanchez có một công việc thiết kế website ổn định tại Công ty HMV ở thị trấn Marlow gần đó.
Cuộc sống tương đối ổn định nhưng vợ chồng nhà Sanchez có vẻ chưa hài lòng. Sau một thời gian bày mưu tính kế và chuẩn bị, cùng năm đó Sanchez thực hiện một số khoản vay, rút thêm tiền từ thẻ tín dụng được bên bảo hiểm đảm bảo thanh toán chi trả và mua một số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tháng 9-2004, vợ chồng nhà Sanchez cho thuê căn nhà rồi di cư sang tận… Costa Rica bên Trung Mỹ.
Ông Sanchez sau đó quay về Anh tiếp tục làm việc cho HMV trước khi xin nghỉ phép vào tháng 12-2004. Công ty lúc đó ai cũng tưởng gã đi nghỉ mát.
Một tháng sau, thình lình bà vợ Sophie gọi điện cho HMV thông báo chồng bà đã chết vì lên cơn đau tim ở Ecuador và đã được hỏa táng. Bà này cung cấp cho công ty giấy khai tử và chứng nhận hỏa táng để bỏ túi số tiền 112.000 bảng Anh theo chính sách chi trả cho nhân viên trong trường hợp qua đời, cùng với đó là lương hưu.
Vợ Sanchez trở về Anh một lần nữa vào tháng 4-2006 để thuê luật sư chứng thực di chúc thừa kế bất động sản, bên cạnh đó là hoàn tất các thủ tục yêu cầu các hãng bảo hiểm chi trả theo những hợp đồng người chồng “quá cố” đã mua.
Một số yêu cầu thanh toán hoàn tất ngay trong năm 2006 nhưng số còn lại không mấy suôn sẻ như dự tính của vợ chồng Sanchez. Một số công ty bảo hiểm do nghi ngờ nên đã chỉ định một thanh tra bảo hiểm đi tìm chứng cứ về cái chết của khách hàng.
Vụ việc vỡ lở sau đó. Viên thanh tra phát hiện bạn bè và bà con của bên gia đình Sanchez ở Anh đều biết ông này còn sống nhăn và đang tận hưởng cuộc đời ở… Costa Rica.
Ngay lập tức những yêu cầu chi trả còn lại bị các hãng bảo hiểm từ chối, Công ty HMV – nhà tuyển dụng cũ của Sanchez – lật đật viết thư yêu cầu vợ chồng trả lại số tiền đã nhận. Nhưng nhà Sanchez không ai chịu hồi âm.
Cực chẳng đã, năm 2007 bên Công ty HMV trình báo vụ việc cho Sở cảnh sát Thames Valley, vụ án sau đó được chuyển cho đơn vị Phòng chống tội phạm kinh tế (ECU) vào năm 2008. Các thám tử bắt đầu thu thập chứng cứ từ các công ty bị ảnh hưởng bởi cú lừa đảo của vợ chồng nhà Sanchez.
Tháng 4-2008, các thám tử lần theo dấu vết và phát hiện Sanchez đang sống ở Úc dưới cái tên Hugo Jose Sanchez mà ông này đã đăng ký đổi tên từ hồi năm 2001. Sanchez cưới lại bà vợ dưới cái tên mới nhưng vẫn giữ tên cũ ở chỗ làm và khi mua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Dấu vân tay trên… giấy hỏa táng
Khẳng định được hành vi phạm tội của vợ chồng Sanchez, công việc tiếp theo của cảnh sát Anh là giăng lưới. Cơ hội đến với họ khá sớm khi bà Sophie trở về Anh ngày 6-9-2010 để tham dự một sự kiện của gia đình. Nhà chức trách bắt giữ nghi phạm ngay tại sân bay Heathrow.
Bà này bị kết án tù 2 năm tại tòa án Oxford Crown vào tháng 12 năm đó sau khi thừa nhận sáu hành vi chiếm đoạt, dụng tâm chiếm đoạt tiền và trốn tránh trách nhiệm bằng cách lừa đảo. Tòa ra lệnh phạm nhân phải bồi thường cho những người thiệt hại số tiền 158.000 bảng Anh.
Đó là phần bà vợ, gã chồng Hugo Jose Sanchez vẫn tự do sống ở Úc và cảnh sát Anh buộc phải có bằng chứng vững chắc hơn để xin được lệnh dẫn độ. Các thám tử tìm ra bản gốc giấy chứng nhận hỏa táng mà bà vợ hắn dùng cho thủ tục chứng nhận di chúc.
Trên tờ giấy này họ bất ngờ tìm thấy còn dính các dấu vân tay trùng khớp với Alfredo Sanchez, tức “người quá cố” lẽ ra đã bị hỏa táng! Một lệnh truy nã quốc tế đối với Sanchez lập tức được ban hành, và tháng 5-2011 ECU nộp đơn lên tòa án ở London xin dẫn độ hắn từ Úc về.
Khi các thám tử Anh thu thập bằng chứng ở Ecuador, họ lại phát hiện tên thật của Sanchez đúng là Hugo Jose Sanchez, còn Alfredo là tên của người em trai hắn đang sống ở Ecuador. Lệnh truy nã tiếp tục được cập nhật và đến tháng 11-2011, Cảnh sát liên bang Úc đã bắt giữ được Sanchez ở thành phố Sydney. Tại tòa án Oxford Crown, hắn thừa nhận 12 tội danh với số tiền lừa đảo 850.000 bảng Anh. Án tù cho Sanchez là 5 năm.
Thám tử Jacqui Bartlett thuộc ECU tóm tắt vụ án như sau: “Ông Sanchez cùng vợ mình đã đạo diễn một cú lừa đảo hàng loạt công ty với mục đích chiếm đoạt một số tiền lớn và tin rằng hành động của họ đã qua mắt tất cả. Ông Sanchez sau đó bắt đầu cuộc sống mới ở Úc, điều mà gia đình nội ngoại hai bên đều biết, nhưng không ngờ rằng cuối cùng vẫn phải trả giá cho việc làm sai trái của mình”.
Công tố viên Baljit Ubhey thì nhận định có một số yếu tố “chuyên nghiệp” trong việc làm giả giấy tờ và thuê luật sư trong vụ án Sanchez tuy không phải tất cả đều hoàn hảo. “Việc phát hiện dấu vân tay của Sanchez trên tờ giấy chứng nhận hỏa táng xác nhận một điều rằng ông ta còn sống khỏe mạnh và cũng là kẻ chủ mưu điều khiển mọi việc từ phía sau” – ông Ubhey tổng kết.
Nếu không ai phát hiện âm mưu của vợ chồng Sanchez, có lẽ đến giờ này họ đang tận hưởng cuộc sống sung túc ở Úc cùng với số tiền lương hưu nhận đều mỗi tháng mà không cần lao động. Quả là tài tình!
Gian lận bị phạt nặng Các tội liên quan gian lận trong bảo hiểm bị phạt nặng tại các nước Âu – Mỹ. Ví dụ tại Pháp tội gian lận bảo hiểm bị xem là tội hình sự và có thể bị phạt đến 5 năm tù giam. Đó là chưa kể mức phạt tiền lớn từ 500.000 USD lên đến 2 triệu USD. Tại Pháp hiện nay thường xảy ra những kiểu cố tình đốt nhà, đốt căn hộ để đòi bảo hiểm bồi thường. Nhưng những vụ như thế này khó qua mắt được các điều tra viên lão luyện. Thông thường trong những vụ như thế, can phạm không chỉ lãnh án vì tội gian lận mà còn thường bị chồng thêm các tội như gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của người khác (tức những người láng giềng). |
___________
Kỳ tới: Kỳ án “con yêu râu xanh tỉnh Essonne”
Nguồn: tuoitre.vn