Đại biểu cho rằng đây là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người giảm thiểu mất mát, thiệt hại, song với những kiện cáo, bức xúc của khách hàng vừa qua, dư luận không khỏi nghi ngại.
Hợp đồng bảo hiểm khó hiểu, cố tình tư vấn sai lệch?
“Buồn cho thị trường bảo hiểm trong nước, nhiều tờ báo đăng tải các bài chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Đã đến lúc nghiêm túc xem xét vấn đề này, để giá trị cốt lõi và nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi”, đại biểu Thúy nêu.
Phân tích cụ thể các bất cập, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói mỗi bộ hợp đồng thường dày 70-100 trang. Hợp đồng có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, có chuyên gia tài chính nói chỉ hiểu được 70% nội dung.
Đặc biệt với hợp đồng dưới dạng liên kết đầu tư lại càng phức tạp, người tham gia dù có đọc kỹ cũng “không hiểu nổi” độ linh hoạt của gói bảo hiểm. Vì vậy, người mua thường chịu thua thiệt, không thể hiểu nếu thanh lý hợp đồng sau 3-5-10 năm thì nhận được bao nhiêu tiền đã đóng.
Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Thủy cho rằng đây là khâu mấu chốt gây ra nhiều kiện cáo tranh chấp. Có tình trạng không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí sai lệch sản phẩm để nhanh chóng chốt đơn.
Đáng chú ý, tỉ lệ hoa hồng tối đa mà tư vấn viên được hưởng ở năm thứ nhất hợp đồng lên tới 40%. Hiện các công ty bảo hiểm cũng đang đưa ra mức hoa hồng chiếm 30-40%, có nghĩa cứ hợp đồng 100 triệu đồng, tư vấn viên sẽ hưởng 30-40 triệu.
Làm rõ có hay không lừa đảo khách hàng
“Không ít tư vấn viên cố tình tư vấn sai lệch, khiến cho khách hàng lầm tưởng đang tham gia sản phẩm đầu tư sinh lãi cao, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa được đền bù khi có chuyện không may, khi kết thúc hợp đồng còn nhận toàn bộ số tiền đã đóng và lợi nhuận”, bà Thủy nói và chỉ ra trên thực tế, người mua không được lời lãi, đặc biệt với hợp đồng liên kết đầu tư, công ty bảo hiểm mang tiền đi đầu tư cũng không chắc chắn 100% sinh lời.
Đại biểu chỉ thêm không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng những quyền lợi được hưởng, mà không chỉ rõ điều khoản ràng buộc. Đặc biệt, tư vấn viên cũng không nêu rõ các điều khoản bất lợi nếu thanh lý sớm hợp đồng thì có nguy cơ mất trắng số tiền đã đóng. Theo bà Thủy, đây là nguồn cơn khiến nhiều bức xúc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đội ngũ tư vấn làm việc có tâm, có trách nhiệm.
Phân tích thêm về thực trạng các công ty bảo hiểm, đại biểu Thủy dẫn số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2022 qua thanh tra phát hiện 3.100 đại lý có sai phạm, cố tình tuyên truyền sai về sản phẩm.
“Dư luận đặt câu hỏi từ vụ việc vừa qua có hay không công ty bảo hiểm biết mà cố tình bỏ qua, gây bất lợi cho khách hàng?”, đại biểu Thủy đặt câu hỏi và cho rằng đẩy hết trách nhiệm cho người mua là không hợp lý và tình. Đây là nguyên nhân khiến cho tỉ lệ người Việt Nam tham gia bảo hiểm ở mức thấp, chỉ chiếm 11%, trong khi ở nhiều nước như Singapore là 80%, Malaysia là 50%, Mỹ là 90%.
Từ thực trạng trên, đại biểu Thủy kiến nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.
Bộ Công an cần xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, tội lừa dối khách hàng trên cơ sở các đơn tố cáo, phản ánh của dư luận thời gian qua. Trường hợp điều tra, nếu có thì khởi tố điều tra.
Bà cũng đề nghị các công ty bảo hiểm rà soát các khâu của quá trình bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn bảo hiểm ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Mục tiêu là đảm bảo thực sự minh bạch và thành tâm thì người dân mới không quay lưng với bảo hiểm.
Nguồn: tuoitre.vn