Đây là khẳng định của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 116 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tổ chức sáng 1.10.
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, gói hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1.10, với khoảng 38.000 tỉ đồng từ Quỹ BHTN, nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp và NLĐ sớm vượt qua khó khăn của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Trong đó, có trên 8.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia BHTN (thời gian thực hiện giảm trong 12 tháng, từ ngày 1.10.2021 đến hết 30.9.2022) cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động và trên 30.000 tỉ đồng chi hỗ trợ cho NLĐ từ nguồn kết dư của Quỹ BHTN.
Ông Mạnh chia sẻ: “Đây là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho NLĐ lớn nhất từ trước đến nay. Quan điểm của chúng tôi là làm sao triển khai hỗ trợ một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất; đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn của chính sách BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng – hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng”.
Về nguyên tắc đóng – hưởng, gói hỗ trợ chỉ áp dụng với NLĐ tham gia BHTN và NLĐ có thời gian tham gia dài hơn thì mức hỗ trợ cao hơn. Nếu như quy định của chính sách BHTN là phải có trên 12 tháng tham gia mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng với gói hỗ trợ này, người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và con số này sẽ lên tới hàng triệu người. Đây chính là nguyên tắc chia sẻ của Quỹ BHTN.
NLĐ được lựa chọn phương thức nộp hồ sơ
Trên cơ sở nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia BHTN, cơ quan BHXH xác định chính xác số liệu NLĐ và NSDLĐ thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho NLĐ; chuẩn bị nguồn kinh phí để chi trả các chính sách hỗ trợ được kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
BHXH Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của BHXH tỉnh, thành phố, đồng thời chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực hiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…
Về phương thức giao dịch để triển khai các chính sách hỗ trợ, ngành BHXH Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức theo sự lựa chọn của người thụ hưởng (giao dịch trực tiếp tại cơ quan BHXH không phụ thuộc địa giới hành chính hoặc qua dịch vụ bưu chính, qua giao dịch điện tử, ứng dụng VssID) để NLĐ và NSDLĐ có thể tiếp cận chính sách thuận lợi nhất và trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, khuyến khích NLĐ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng để vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, thời gian triển khai gói hỗ trợ rút gọn xuống tối đa 5 – 10 ngày. Phấn đấu đến ngày 5.10 hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tiền lương tháng của NLĐ tham gia BHTN từ 1% xuống 0% cho khoảng 386.000 đơn vị sử dụng lao động. Trong tháng 10 này, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ cho NLĐ có tài khoản ngân hàng tại các đơn vị sử dụng lao động.
Nguồn: thanhnien.vn