Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính như trên, tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1-2.
Hơn 200.000 người bị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Cụ thể, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Từ đó có giải pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi của hơn 200.000 người lao động là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Những người này không được hưởng các chế độ, kể cả lương hưu. Qua đó, các bên sẽ báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết.
Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng thông tin, số liệu thật sự chính xác.
Bộ này cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi, trong đó có nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm.
Nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội hàng trăm tỉ đồng
Cũng tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cho biết giải ngân vốn đầu tư công là việc “thúc đẩy mãi” và “không ai kêu thiếu vốn”.
Do vậy, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng các bộ ngành nghiên cứu kiến nghị của Công đoàn về tháo gỡ, vướng mắc về nợ xây dựng cơ bản. Trong đó, có nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trước đó, chủ tịch Công đoàn Việt Nam dẫn báo cáo nhanh, một số tổng công ty ngành xây dựng nợ lương người lao động với số tiền 269 tỉ đồng, nợ tiền bảo hiểm xã hội 435 tỉ đồng. Còn một số tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ lương gần 205 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 750 tỉ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bên liên quan, sớm trình Chính phủ về các kiến nghị liên quan đến chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Thực tế mỗi tàu cá ra khơi ở vùng biển này sẽ được hỗ trợ tiền dầu tối đa 4 chuyến biển/năm. Mỗi chuyến đi ra khơi xa tối thiểu phải từ 15 ngày trở lên và đáp ứng các yêu cầu khai thác hợp pháp.
Để ngư dân yên tâm sản xuất, chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét tăng hỗ trợ lên 6 – 8 chuyến/năm.
Dịp này, ông Khang cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại nhóm nợ và thời gian trả nợ cho ngư dân, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá tiếp tục sản xuất, yên tâm vươn khơi bám biển.
Nguồn: tuoitre.vn