Ngoài xu hướng đơn giản hóa hợp đồng bảo hiểm, trong tọa đàm “Tháo khó cho hợp đồng bảo hiểm” hôm 28/6, đại diện Prudential cùng ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, luật sư Đặng Việt Anh, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc giải quyết các tranh chấp và anh Nguyễn Viết Thịnh – khách hàng trao đổi các vấn đề xung quanh bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Chương trình chỉ ra các khúc mắc của khách hàng, lý giải tại sao hợp đồng bảo hiểm lại có quy chuẩn dài và chi tiết. Đồng thời, chuyên gia cũng đưa ra các lưu ý cho khách hàng và “hiến kế” để đơn giản hoá hợp đồng bảo hiểm giúp người tham gia bảo hiểm dễ dàng nắm bắt và tiếp cận hơn.
Lý do hợp đồng bảo hiểm dài, phức tạp
Hiểu được những lợi ích của bảo hiểm, có kiến thức cơ bản về tài chính, song, cách đây 4 năm anh Nguyễn Viết Thịnh rơi vào thế khó khi quyết định tham gia sản phẩm tài chính này. “Hợp đồng có nhiều thuật ngữ, mình khó phân biệt giữa điều khoản, điều kiện nên thấy rối rắm”, anh chia sẻ.
Ngoài ra, do hợp đồng dài nên sau 4 năm mua bảo hiểm, anh Thịnh cũng chỉ nhớ một số thông tin cơ bản như: số tiền cần đóng trong một năm, sản phẩm chính, sản phẩm phụ và số tiền được nhận nếu có rủi ro.
Khó khăn của anh Thịnh không cá biệt, thậm chí phổ biến với đa số người tham gia bảo hiểm. Theo luật sư Đặng Việt Anh, bộ hợp đồng bảo hiểm gồm nhiều phần như: Đơn yêu cầu bảo hiểm; Giấy xác nhận bảo hiểm; Bảng minh họa quyền lợi bảo hiểm; Quy tắc và Điều khoản của sản phẩm bảo hiểm…
Lợi ích của bộ hợp đồng dài, chi tiết được luật sự Việt Anh lý giải bởi ba nguyên nhân. Đầu tiên, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng dân sự đặc biệt. So với những hợp đồng thông thường có hai bên tham gia ký kết, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có ba bên, gồm cả người thụ hưởng. “Số lượng các bên lớn hơn dẫn tới giải quyết các mối quan hệ phức tạp”, luật sư nhận định.
Ngoài ra, bộ hợp đồng dài và phức tạp còn bởi cần quy định rõ ràng quyền lợi, nghĩa vụ, trường hợp được bảo hiểm và loại trừ của các bên tham gia. Nếu hợp đồng rút ngắn chỉ còn 3-4 trang có thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng khi có tranh chấp.
Cuối cùng, luật sư này nhận định, với lịch sự ra đời, hình thành và phát triển hơn 300 năm, bộ hợp đồng bảo hiểm phải đáp ứng chuẩn mực của công ty mẹ, có sự thống nhất ở tất cả các thị trường trên toàn cầu. Khi đến Việt Nam, các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng cần đáp ứng tiêu chí của Luật, được Bộ Tài chính thẩm định nên khó có thể ngắn gọn, vắn tắt.
Người mua nên yêu cầu đại lý bảo hiểm tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong các văn bản thuộc bộ hợp đồng bảo hiểm. Song song đó, ngoài kênh của tư vấn viên, khách cũng có thể kiểm tra thông tin độc lập với luật sư, hay gọi trực tiếp đến đường dây nóng của hãng để nhận giải đáp kịp thời.
Đại diện doanh nghiệp bảo hiểm, ông Trần Thanh Phong đặc biệt nhấn mạnh khoảng thời gian 21 ngày cân nhắc. Đây là khoảng thời gian cần thiết để người tham gia suy xét kỹ hơn về hợp đồng, đồng thời, cũng là một điểm ưu việt của hợp đồng bảo hiểm so với các hình thức hợp đồng khác.
“Trong thời gian này, người mua có thể thay đổi, sổ sung quyền lợi, tăng giảm mệnh giá hay chấm dứt hợp đồng và được hoàn lại số tiền đã đóng”, ông Phong thông tin. Luật sư Việt Anh cũng nhấn mạnh: “Chỉ riêng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chế định 21 ngày cân nhắc, đảm bảo quyền lợi của người tham gia”.
Cần đơn giản hoá hợp đồng bảo hiểm
Từ khó khăn trong quá trình đọc hiểu hợp đồng bảo hiểm, khách hàng Viết Thịnh chia sẻ mong muốn có bản tóm tắt hợp để dễ dàng ghi nhớ thông tin và lưu trữ. Tại toạ đàm, khách hàng này cũng băn khoăn về tính pháp lý của hợp đồng bản điện tử so với bộ hợp đồng bằng giấy.
Giải đáp thắc mắc này, ông Trần Thanh Phong khẳng định, hợp đồng điện tử có giá trị tương đương với hợp đồng bằng văn bản. “Khi mất hợp đồng, khách hàng có thể đến Prudential để yêu cầu lại một bộ hợp đồng chuẩn chỉnh”, ông Phong nhấn mạnh.
Hoạt động theo tôn chỉ “Lắng nghe, thấu hiểu, hành động” và dựa trên mong muốn của khách hàng, nhu cầu thị trường về hợp đồng dễ hiểu, Prudential Việt Nam đã ra mắt ra bộ hợp đồng rút gọn còn 8 trang với các thông tin quan trọng để khách hàng dễ dàng nắm bắt. Bộ hợp đồng mới dựa trên hành vi tra cứu của khách hàng, đảm bảo ba tiêu chí: dễ hiểu (thuật ngữ được giải thích, chú thích rõ ràng), dễ tra cứu (thông tin được mã hoá bằng QR code), dễ lưu trữ (hợp đồng nhỏ gọn).
Đây là phiên bản đầu tiên của hợp đồng rút gọn, tương lai, Prudential Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện phiên bản này theo tiêu chí của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2019 và ra mắt sản phẩm hoàn chỉnh nhất vào 1/1/2024.
Song song với cải tiến hợp đồng bảo hiểm, ông Phong còn chia sẻ quy trình số hóa giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng khi nộp hồ sơ giải quyết yêu cầu bảo hiểm online được tối ưu. Cụ thể, tính riêng 2022, hơn 80% hồ sơ của Prudential được giải quyết online và thời gian xử lý trung bình là 1,4 ngày. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến trong vòng 30 phút của doanh nghiệp là 11% trong 2022 và hướng đến tăng lên 50% trong 2023.
Những thay đổi này của Prudential được Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Ngô Trung Dũng đánh giá cao. Thông qua việc xây dựng bộ hợp đồng vắn tắt với những thông tin trọng yếu, khách hàng có thể nhanh chóng nắm được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm. “Điều này phù hợp với xu thể minh bạch hóa thị trường và số hóa doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Dũng nói.
Trong tương lai, Hiệp hội Bảo hiểm sẽ đề xuất với cơ quan quản lý để đưa ra những quy định hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm chủ động hơn trong việc xây dựng các điều khoản. Theo ông Dũng, hiệp hội khuyến khích cũng doanh nghiệp phối hợp cùng chuyên gia luật, tài chính để rà soát và hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa để tối ưu sự tiếp nhận cho người dân.
Cuối tọa đàm, những vướng mắc, băn khoăn của độc giả về bộ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng được các chuyên gia giải đáp. Theo đó, việc đơn giản, minh bạch hóa hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giúp Việt Nam tiến gần hơn với mục tiêu 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ tới 2025 và 18% tham gia vào năm 2030 trong Đề án Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm của Bộ Tài chính.
Hồng Thảo
Nguồn: vnexpress.net