Khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị vô hiệu, người mua không nhận được quyền lợi tương ứng theo thoả thuận trong hợp đồng, giá trị pháp lý cũng mất. 5 lý do phổ biến hiện nay, dẫn đến hợp đồng bảo hiểm của bạn có thể bị mất hiệu lực gồm:
Không đóng phí đầy đủ và đúng hạn
Một số công ty bảo hiểm thường đưa ra chính sách linh hoạt đóng phí cho người mua. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ vấn đề nên không thanh toán phí bảo hiểm đều đặn cho công ty.
Theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm, nếu bên mua bảo hiểm không đóng phí đúng hạn thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể gia hạn đóng phí tối đa là 60 ngày, nhằm giúp người tham gia có thời gian chuẩn bị tài chính. Trong quá trình gia hạn, hợp đồng bảo hiểm vẫn duy trì hiệu lực. Tức là người mua vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu rủi ro xảy ra. Tuy nhiên, nếu hết thời gian gia hạn mà người tham gia vẫn chưa đóng phí thì sẽ bị vô hiệu hoặc chấm dứt hợp đồng.
Khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị hợp đồng
Người mua bảo hiểm có thể ứng trước tối đa 80% giá trị tiền mặt (sau khi trừ các khoản nợ nếu có) từ hợp đồng bảo hiểm. Khi rủi ro bất ngờ xảy ra thì công ty bảo hiểm sẽ chi trả theo đúng thỏa thuận, nhưng sẽ trừ đi phí tạm ứng và lãi suất cho khoản tạm ứng đó.
Đặc biết, nếu tổng khoản tạm ứng và nợ lãi tương ứng lớn hơn giá trị tiền mặt thì hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu. Lúc này, không có khoản phí nào phát sinh, cũng như không có quyền lợi bảo hiểm nào được bồi thường.
Đại lý không nộp phí cho công ty bảo hiểm
Nếu trường hợp này xảy ra, quyền lợi chính đáng của người tham gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Bên cạnh đó, uy tín và hình ảnh của công ty bảo hiểm cũng bị tổn hại.
Khi đặt bút ký vào bản hợp đồng bảo hiểm, người tham gia nên đọc kỹ toàn bộ điều khoản. Đồng thời, không nên ủy thác mọi việc cho tư vấn viên mà hãy tự kiểm tra phí đóng, nhằm bảo vệ quyền lợi cá nhân.
Cung cấp thông tin không trung thực
Việc kê khai thông tin chính xác và đầy đủ là vô cùng quan trọng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ. Nếu người mua cung cấp thông tin trung thực về tuổi tác, tình trạng sức khỏe và nghề nghiệp, khi có rủi ro xảy ra, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
Ngược lại, nếu khách hàng cung cấp thông tin không đúng sự thật, công ty bảo hiểm có quyền không bồi thường cho họ khi xảy ra rủi ro, đồng thời vô hiệu hóa hợp đồng.
Người khác ký tên hộ nhưng không có văn bản ủy quyền
Theo nguyên tắc, người được bảo hiểm phải trực tiếp ký tên vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Nếu người khác ký thay phải có văn bản ủy quyền từ người được bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu không có văn bản ủy quyền, hợp đồng bảo hiểm hoàn toàn có thể bị vô hiệu. Người tham gia không thể nhận được quyền lợi bảo hiểm nếu chẳng may rủi ro xảy ra.
Tuy nhiên, vẫn có cách để khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm. Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hợp đồng bị vô hiệu hóa. Điều này nhằm duy trì quyền lợi bảo vệ cho người tham gia, cho đến khi đáo hạn hợp đồng.
Điều kiện khôi phục hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm:
– Người tham gia (người được bảo hiểm) phải gửi yêu cầu khôi phục hiệu lực của hợp đồng bằng văn bản mẫu và chờ công ty bảo hiểm xem xét.
– Thời điểm khôi phục hiệu lực phải trước ngày kết thúc hợp đồng.
– Người được bảo hiểm phải cung cấp bằng chứng về tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều kiện được bảo hiểm theo quy định của công ty.
– Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm quá hạn (tính đến ngày công ty chấp thuận khôi phục hợp đồng), nợ chưa trả và mức lãi suất do doanh nghiệp bảo hiểm công bố.
Thanh Thư
Nguồn: vnexpress.net