“Hợp đồng bảo hiểm rất phức tạp, chỉ những người có chuyên môn sâu đọc mới hiểu hết, còn phần lớn người mua bảo hiểm nghe theo tư vấn.
Đề nghị cơ quan quản lý cần kiểm soát các mẫu hợp đồng bảo hiểm sao cho dễ hiểu, không để cài cắm các thuật ngữ phức tạp gây hiểu nhầm, trở thành giải pháp bảo vệ người mua bảo hiểm”, bạn đọc Nguyễn Hà chia sẻ.
“Tư vấn viên lúc nào cũng khẳng định sẽ nhận lại tiền đã đóng sau 8 năm, 10 năm, còn phí gì trừ trong đó thì không nói tới, thậm chí còn nói có lãi. Vì cách tư vấn đó mà suốt thời gian dài từ “chơi bảo hiểm” được nhiều người nhắc đến” – nhiều bạn đọc cùng bức xúc này.
Bạn đọc Minh đề xuất, trong hợp đồng cần có 2-3 trang dành cho người tư vấn bảo hiểm ghi các nội dung tư vấn cho khách hàng.
Sau đó công ty bảo hiểm thẩm định lại, nếu chấp nhận với nội dung nhân viên đã tư vấn thì đóng dấu gửi lại khách hàng. Mục đích để tránh nhân viên tư vấn tư vấn gian dối.
Hợp đồng phải dễ hiểu
Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng các công ty bảo hiểm cần phải cố gắng làm cho hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trở nên dễ hiểu hơn.
Dù biết rằng, Bộ Tài chính là cơ quan “duyệt” điều khoản và bản chất hợp đồng bảo hiểm là rất khó để làm cho đơn giản. Tuy nhiên, vì một thị trường bảo hiểm lành mạnh và thân thiện với khách hàng thì tất cả đều phải cố gắng.
Một số công ty bảo hiểm đã và đang cố gắng thay đổi để khách hiểu rõ hiểu đúng các điều khoản trong hợp đồng. Bên cạnh bộ hợp đồng chính dày cộm, còn tặng kèm một sổ tay nhỏ bằng bàn tay (khổ giấy A6), dài khoảng 30 trang, in màu, chất liệu giấy tốt. Tuy nhiên cỡ chữ khá nhỏ và quá nhiều chữ.
Cũng có công ty thực hiện dự án bảo hiểm phải dễ hiểu bằng cách bỏ các thuật ngữ không cần thiết, định nghĩa dễ hiểu, đồ họa sinh động để giải thích sản phẩm dễ dàng hơn và trình bày thông tin rõ ràng hơn.
Nguồn: tuoitre.vn