Thu nhập của người lao động: Mối quan tâm hàng đầu
Phóng to |
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng – Ảnh: TTO |
Trả lời câu hỏi quan điểm như thế nào về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa trên lương thực tế hay lương ghi trên hợp đồng, ông Tùng nói:
Hiện tại cán bộ công chức, công nhân ở các doanh nghiệp nhà nước đều đóng BHXH trên lương thực tế, nhưng công nhân, nhất là công nhân dệt may da giày làm việc ở khu vực ngoài nhà nước đều đóng BHXH hầu như trên lương tối thiểu ghi trên hợp đồng nên rất thiệt thòi cho người lao động.
“Tại sao chúng ta lại tiếp tục để người lao động thiệt thòi thêm 3 năm nữa. Tại sao không áp dụng điều 90 của Bộ Luật lao động. Đáng lẽ Luật BHXH là luật nhánh của Bộ Luật lao động cần phải tuân thủ các điều của Bộ Luật lao động. Sao các nhà làm luật chỉ thương xót người sử dụng lao động không đóng nổi BHXH mà không nghĩ đến những thiệt thòi của người lao động yếu thế…” -ông Tùng nói.
* Cũng liên quan đến BHXH, nhất là BHXH tự nguyện, theo ông vì sao chưa hấp dẫn người lao động?
– Trên lý thuyết, các chế độ, chính sách BHXH của ta rất hay, rất nhân văn, hấp dẫn. Nhưng thực tế khi thực hiện vẫn còn nhiều phiền hà cho người lao động. Người lao động lãnh lương hàng tháng, họ đã đóng BHXH nhưng người sử dụng lao động chưa nộp hoặc không nộp cho cơ quan BHXH, do vậy người lao động không được hưởng các chế độ mà họ phải hưởng theo quy định của luật hoặc sau đó cần nhiều thủ tục nhiêu khê để được hưởng. Nếu không bắt buộc họ sẽ không tham gia và thấy rằng BHXH tự nguyện chưa có lợi nên chưa thu hút được đông người lao động tự nguyện tham gia.
* Ban soạn thảo điều chỉnh thời gian đóng BHXH phải đủ 20 năm mới được hưởng 45% tiền lương bình quân đóng BHXH, ông nghĩ sao?
– Điều này lại vô lý nữa, người lao động đã gặp muôn vàn khó khăn khi nghỉ hưu nên đừng để họ thiệt thòi hơn nữa. Hãy giữ nguyên 15 năm đóng BHXH hưởng 45% mức tiền lương bình quân đóng BHXH. Tôi không đồng tình tăng lên 20 năm.
* Chi phí quản lý tối đa 3% mức thu BHXH, ông thấy thế nào?
– Dựa vào cơ sở nào mà chi quản lý 3% tiền đóng BHXH của người lao động. Các ngân hàng thương mại nhận tiền gửi tiết kiệm của dân, họ đâu thể lấy của dân 3% được. Tôi chưa đồng tình với 3% này. Đáng ra ngân sách nhà nước phải chi trả cho bộ máy quản lý. Toàn bộ số tiền người lao động đóng để chi trả lại tất cả cho người lao động. Có như vậy BHXH mới hấp dẫn, mới thu hút được người lao động tham gia.
Theo tôi, để thu hút mọi người tham gia BHXH thì phải chứng minh cho dân thấy tham gia chỉ có lợi, do đó nên sử dụng ngân sách chi cho bộ máy quản lý, không nên lấy tiền của người lao động để chi cho bộ máy quản lý.
* Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu, ông nghiêng về phương án nào?
– Tuyệt đại đa số công nhân mà tôi tiếp xúc đều không đồng tình về việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ. Tuổi nghỉ hưu nên phụ thuộc vào ngành nghề mà người lao động đang làm, nên thực hiện đúng theo Điều 187 Bộ Luật lao động. Tôi không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.
* Nhưng có lo lắng không tăng tuổi nghỉ hưu sẽ vỡ quỹ BHXH, ông nghĩ sao?
– Không cần tăng tuổi nghỉ hưu, nếu quản lý tốt tiền của người lao động, tiết kiệm và quản lý quỹ như một ngân hàng thì chắc chắn sẽ không vỡ quỹ. Tôi sẵn sàng tranh luận và chứng minh với những ai cho rằng sẽ vỡ quỹ.
Nguồn: tuoitre.vn