Theo hai đơn vị này để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, cần phải sửa đổi điều kiện tham gia BHYT tự nguyện theo hướng cả hộ gia đình đều phải tham gia BHYT để đảm bảo tính cộng đồng, chia sẻ rủi ro khi ốm đau. Với quy định hiện nay đã dẫn đến sự lựa chọn ngược: chỉ những người có bệnh mới tham gia BHYT tự nguyện, còn người không có bệnh thì không mua.
Báo cáo của UBND TP cũng cho biết tính đến cuối năm 2012 tại TP có gần 4,7 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 63,4% dân số TP. Tuy nhiên, độ bao phủ của chính sách BHYT còn thấp, ngoài diện bắt buộc và hộ cận nghèo được UBND TP hỗ trợ mua thẻ, chỉ có người bệnh mới tự giác mua BHYT.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi “lạm dụng bảo hiểm y tế trong điều trị có kiểm soát được không?” của bà Trương Thị Mai – chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Cao Văn Sang – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP – nói rất khó kiểm soát. Theo ông Sang, năm nào Bảo hiểm xã hội TP cũng xuất toán hơn 50 tỉ đồng của các bệnh viện do vẫn còn tình trạng lạm dụng, quản lý quỹ chưa chặt chẽ…
Sáng cùng ngày, khi làm việc với đoàn giám sát, ông Cao Văn Sang nói người dân vẫn thích lên bệnh viện tuyến trên khám bệnh. Chính vì vậy, số bệnh nhân đi khám chữa bệnh trái tuyến tăng theo hàng năm. Cụ thể, năm 2010 có có hơn 667.000 lượt người bệnh đi khám BHYT trái tuyến, qua năm 2011 tăng vọt lên, với gần 1,7 triệu lượt đi trái tuyến và năm 2012 là 2,2 triệu lượt.
Từ tháng 1-2013 khi, Bảo hiểm xã hội thực hiện triệt để chuyển thẻ BHYT về đăng ký ban đầu tại các tuyến quận huyện và tương đương trở xuống, các bệnh viện tuyến tỉnh có đội ngũ nhân lực đông, cơ sở vật chất hiện đại, máy móc thiết bị cao cấp lại rơi vào tình trạng bệnh nhân đến khám lại ít. Đến 10g sáng các bệnh viện như Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện 7A, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn…. đã không còn bệnh nhân để khám.
Những bệnh viện này chỉ có khoảng 500 lượt bệnh nhân khám/ngày, trong khi các bệnh viện quận huyện lại quá tải, bệnh nhân phải xếp sổ chờ được khám từ 4-5g sáng, nhiều bệnh viện phải làm việc ngoài giờ như Bệnh viện Q. Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú, Tân Bình… với bình quân 2.000-3.000 lượt bệnh nhân/ ngày.
Nhiều người mắc bệnh mãn tính đang được điều trị tại tuyến Bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng theo Luật cũng phải về đăng ký tại tuyến huyện, làm người bệnh phải đến bệnh viện chờ đợi được khám với mục đích xin giấy chuyển viện lên tuyến trên, góp phần gây nên quá tải và có thể xảy ra hiện tượng tiêu cực trong việc xin giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh.
Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Sở Giáo dục TP.HCM cho biết nhiều bậc phụ huynh phản ánh phí mua BHYT – học sinh cao (264.000 đồng) nhưng lại chỉ được đăng ký khám chữa bệnh tại các y tế quận huyện nên phụ huynh không yên tâm. Hiện ở TP.HCM có hai địa chỉ khám chữa bệnh được các bậc phụ huynh tin tưởng là Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tuy nhiên, hai bệnh viện này học sinh lại không được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.
Nguồn: tuoitre.vn