Còn nợ đọng hơn 11.800 tỉ tiền bảo hiểm
Kiểm toán Nhà nước vừa gửi đến Quốc hội báo cáo kết quả kiểm toán quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2018.
Theo đó, qua kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2018 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước cho biết:
Tính đến 31.12.2018, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là hơn 14,7 triệu người, tăng 6,6% so với năm 2017. Tổng số thu BHXH năm 2018 là 223.083 tỉ đồng, đạt 99,36% dự toán Thủ tướng giao.
Tính cả 3 quỹ (BHXH, bảo hiểm y tế – BHYT, bảo hiểm thất nghiệp – BHTN), nợ đọng đến 31.12.2018 là 11.842 tỉ đồng, chiếm 3,4% số phải thu năm 2018.
Về quản lý quỹ, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc về cơ bản, BHXH Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp trong quản lý, đảm bảo tuân thủ quy định của Nhà nước, đem lại kết quả tích cực là số nợ phải thu năm 2018 giảm 1.067 tỉ đồng so với 2017.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, như một số BHXH tỉnh chưa rà soát chặt chẽ đối tượng hưởng BHXH một lần, dẫn đến Kiểm toán Nhà nước phát hiện 1.695 trường hợp hưởng BHXH 1 lần nhưng vẫn tham gia đóng BHXH trong thời gian 1 năm, kể từ ngày nghỉ việc (theo quy định là phải sau 1 năm nghỉ việc và không tiếp tục đóng bảo hiểm mới được hưởng BHXH 1 lần), với số tiền 38,68 tỉ đồng. Cơ quan BHXH chưa kiểm tra, rà soát khi cấp sổ bảo hiểm, dẫn đến còn tình trạng một số lao động có nhiều hơn 1 sổ BHXH.
Nhiều trường hợp tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả thanh, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN từ tháng 1.2017 – 6.2019 phát hiện 105.095 lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm nhưng chưa tham gia, hoặc tham gia thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng của cả 3 quỹ là 280 tỉ đồng; 111.304 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng cả 3 quỹ là 114 tỉ đồng.
Năm 2018, có 8.447 đơn vị sử dụng lao động bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN với số tiền thu hồi khoảng 2.100 tỉ đồng.
Tình trạng nợ đọng, chậm đóng các quỹ bảo hiểm còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Nợ đến 31.12.2018 của khối DN là 10.176 tỉ đồng, chiếm 86% tổng nợ.
Theo báo cáo kiểm toán, số nợ BHXH từ 36 tháng trở lên là 2.822 tỉ đồng, nợ BHYT từ 36 tháng trở lên là 178 tỉ đồng và BHTN là gần 75 tỉ đồng.
Bảo hiểm xã hội mắc kẹt 1.651 tỉ đồng tại ALC 2
Tổng số dư đầu tư các quỹ bảo hiểm tại 31.12.2018 là 728.085 tỉ đồng, gồm: đầu tư vào trái phiếu chính phủ 620.816 tỉ đồng (chiếm 84,27%); đầu tư tại ngân hàng thương mại 107.269 tỉ đồng (chiếm 14,73%), trong đó, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi 13.000 tỉ đồng và gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại 94.269 tỉ đồng.
Về cơ bản, năm 2018 BHXH Việt Nam đã đầu tư các quỹ bảo hiểm và phân bổ lãi đầu tư đúng quy định, đảm bảo an toàn và tăng trưởng quỹ. Trong năm 2018, lãi phải thu từ hoạt động đầu tư 42.755 tỉ đồng, lãi đã thu 41.977 tỉ đồng.
Tuy nhiên, các khoản BHXH đầu tư vào Công ty cho thuê tài chính ALC 1 v à ALC 2 – Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thì đến nay vẫn mắc kẹt. Đối với khoản đầu tư vào ALC 1, BHXH Việt Nam đã thu hết nợ gốc từ năm 2014; năm 2018 thu được 0,75 tỉ đồng tiền lãi; đến 7.10.2019, BHXH Việt Nam còn phải thu của ALC 1 23 tỉ đồng tiền lãi.
Với ALC 2, theo quyết định tuyên bố phá sản năm 2018 của công ty này và quyết định năm 2019 của Tòa án nhân dân TP.HCM, ALC 2 còn nợ BHXH Việt Nam 1.651 tỉ (gốc 769 tỉ đồng, lãi 882 tỉ đồng) và chấm dứt thực hiện tính lãi từ 31.7.2018.
6 năm nữa, quỹ ốm đau, thai sản sẽ âm
Căn cứ báo cáo tài chính của BHXH Việt Nam tại ngày 31.12.2018, Kiểm toán Nhà nước đánh giá khả năng cân đối quỹ BHXH như sau:
Quỹ ốm đau và thai sản, năm 2018 chênh lệch thu – chi là thặng dư 161 tỉ đồng, kết dư quỹ cuối năm là 13.815 tỉ đồng, dự báo đến năm 2026, kết dư quỹ cuối năm bắt đầu âm.
Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, năm 2018 thặng dư 8.407 tỉ đồng, kết dư quỹ cuối năm là 41.757 tỉ đồng, dự báo quỹ tương đối ổn định.
Quỹ hưu trí và tử tuất, năm 2018 thặng dư 90.819 tỉ đồng, kết dư quỹ cuối năm là 581.994 tỉ đồng. Dự báo đến năm 2032, quỹ bắt đầu bội chi, đến năm 2049 kết dư quỹ cuối năm bắt đầu âm.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị BHXH nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với khoản nợ đọng của các DN phá sản, giải thể, chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn hiện nay không thể thu hồi; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng, hạn chế tình trạng nợ phổ biến, kéo dài dẫn đến thất thu các quỹ bảo hiểm.
Khẩn trương cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, đảm bảo mỗi người chỉ được cấp duy nhất 1 mã số và mỗi mã số chỉ được cấp duy nhất cho 1 người; rà soát việc cấp sổ BHXH tránh trường hợp một số người có nhiều sổ BHXH, gây khó khăn trong việc quản lý.
Rà soát 1.695 trường hợp hưởng BHXH 1 lần không đúng quy định để tổ chức thu hồi số tiền về các quỹ bảo hiểm, rà soát để nâng cao tính pháp lý và trách nhiệm của người đề nghị hưởng BHXH 1 lần.
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, Kiểm toán Nhà nước cho biết, giá trị giải ngân của BHXH Việt Nam đến 31.12.2018 đạt 54,19% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 (975,4 tỉ đồng/1.800 tỉ đồng).
Quá trình thực hiện phải điều chỉnh, bổ sung thiết kế, dự toán tại một số dự án, làm gián đoạn thời gian thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình; một số dự án có tiến độ hoàn thành chậm so với quyết định đầu tư ban đầu.
Qua kiểm toán 8 dự án (3 dự án dã được thẩm tra phê duyệt quyết toán, 5 dự án đã có quyết toán A – B), Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 4,7 tỉ đồng.
Kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các công trình đầu tư công, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.
|
Nguồn: thanhnien.vn