Từ tháng 3.2020, Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản hướng dẫn cho phép doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do Covid-19 được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng đến hết tháng 6.2020.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến cuối tháng 6, tổng số người lao động (NLĐ) được tạm dừng đóng là gần 133.000 lao động, với số tiền 500 tỉ đồng, và gần 1.500 DN được thụ hưởng chính sách này. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng từ tháng 7 – 9 mới thực sự là giai đoạn khó khăn nhất của DN, nên kiến nghị được miễn hoặc tạm dừng đóng BHXH đến hết năm 2020.
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay Bộ nhận được rất nhiều ý kiến của DN liên quan đến vấn đề đóng BHXH, thậm chí nhiều ý kiến còn cho rằng, thời gian tạm dừng đóng vài tháng là quá ít và không có ý nghĩa, thậm chí nên cho DN miễn đóng BHXH như là miễn thuế. Về vấn đề này, ông Giang khẳng định luật BHXH quy định căn cứ đóng BHXH là tiền lương nên với DN không có doanh thu, NLĐ không có tiền lương thì sẽ không phải đóng BHXH.
“Chính sách thuế chỉ có quan hệ giữa nhà nước và DN, còn nguyên lý của BHXH là quan hệ 3 bên: nhà nước, DN và NLĐ. BHXH là quan hệ đóng – hưởng, DN không đóng cho NLĐ thì nay mai họ gặp rủi ro trong lao động lấy đâu hưởng, lúc đó DN phải bỏ tiền ra lo cho rủi ro. Do đó, không có chuyện miễn đóng mà chỉ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Đây là khoản đóng lớn nhất hiện nay, chiếm tỷ lệ 22% trên tổng số tiền đóng vào quỹ BHXH”, ông Giang nói.
Ông Giang cho biết thêm: “Chúng tôi dự báo đến hết năm nay, con số này không chỉ dừng lại ở 133.000 lao động, mà có thể lên tới 1 triệu lao động được tạm dừng đóng. Và con số DN được thụ hưởng lên tới vài ngàn tỉ đồng. Đấy là một hình thức nhà nước chia sẻ với DN trong lúc khó khăn. Điều quan trọng hơn nữa, hết thời gian tạm dừng đóng, DN đóng trở lại không phải tính lãi”.
Ông Giang cũng thừa nhận điều kiện để DN được tạm dừng đóng BHXH theo Nghị định 115/2015 của Chính phủ là chặt chẽ và khắt khe. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra chưa từng có tiền lệ, Nghị quyết 42 của Chính phủ cũng đã “nới lỏng” các điều kiện. “Rất nhiều DN hiện nay chưa cập nhật thông tin, không phải DN tạm dừng hoạt động, có 50% lao động nghỉ việc không hưởng lương thì mới được thụ hưởng chính sách. Đơn cử, một DN sử dụng 100 lao động, chỉ cần 20 lao động nghỉ không hưởng lương, 10 lao động tạm hoãn, 10 lao động chấm dứt hợp đồng, 20 ngừng việc là DN đó có đủ điều kiện dừng đóng. Nếu như trước đây, DN phải chuyển hồ sơ cho Sở LĐ-TB-XH, Sở gửi cho BHXH thì mới được phê duyệt, thì nay DN chỉ cần nộp hồ sơ cho BHXH, nếu được duyệt sẽ được hưởng luôn”.
Ông Giang cho biết từ ý kiến của các DN, Vụ BHXH sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH thay vì tạm dừng đóng 6 tháng, có thể sẽ cho DN tạm dừng đóng tối đa trong 12 tháng (đến hết tháng 12.2020). Như vậy, số tiền DN được hưởng lợi sẽ có thể lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), đồng tình với việc xem xét cho DN dừng đóng BHXH 12 tháng. Ông Quảng bày tỏ: “Chúng tôi chia sẻ khó khăn với DN, tuy nhiên không thể miễn đóng BHXH, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Trong trường hợp khó khăn như hiện nay, các cơ quan chức năng nên linh hoạt cho DN dừng đóng, khi khôi phục sản xuất kinh doanh, DN sẽ đóng bù”.
|
Nguồn: thanhnien.vn