Tài xế xe công nghệ, shipper, đại biểu Quốc hội và chuyên gia nói gì về đề xuất này?
– Anh LÊ VĂN MINH (39 tuổi, tài xế xe công nghệ):
Thu nhập 7 triệu đồng nuôi 3 người, tiền đâu đóng bảo hiểm xã hội!
Tôi chạy xe công nghệ hơn 5 năm nay. Hiện tại, tôi chỉ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện nhưng gặp khó khăn vì nguồn thu nhập không còn ổn định như trước.
Trước đây có thể thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, Bây giờ, trừ xăng dầu bảo dưỡng xe thì mỗi tháng chỉ còn khoảng 7 triệu đồng là cao rồi.
Hiện tại, mỗi cuốc xe, tôi phải đóng gần 28% phí hoa hồng cho phía công ty. Nếu phải tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, con số 28% hiện tại có thể sẽ tăng cao hơn nữa.
Mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng của tôi còn phải trang trải chi phí sinh hoạt của gia đình, tiền trọ, tiền ăn uống, giờ thêm tiền BHXH thì thật sự không kham nổi!
– Anh NGUYỄN ĐỨC QUYỀN (42 tuổi, tài xế xe công nghệ):
Đóng theo mức thu nhập
Tôi ủng hộ việc tham gia BHXH bắt buộc với tài xế xe công nghệ. Từng rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát nên tôi hiểu rất rõ tầm quan trọng của BHXH.
Khi đó tôi không thể chạy xe, cũng chẳng có bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác từ công ty nên rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều người lao động gần nhà được hưởng trợ cấp COVID-19, có thêm thu nhập để cầm chừng qua mùa dịch.
Tuy nhiên tôi đề xuất phải có sự hỗ trợ cho từng nhóm tài xế có thu nhập khác nhau. Không thể cào bằng mức đóng đối với tài xế thu nhập 10 triệu đồng với tài xế thỉnh thoảng bật app chạy với thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng, như vậy sẽ không phù hợp.
– Đại biểu Quốc hội PHẠM TRỌNG NGHĨA (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội):
Nên mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội bắt buộc
Hiện nay số lượng tham gia BHXH của chúng ta có gần 18 triệu người, trong đó đối tượng bắt buộc khoảng 15 triệu người trong khi tổng lực lượng lao động của chúng ta khoảng 52 triệu người.
Việc mở rộng với nhóm tài xế xe công nghệ, shipper sẽ giúp mở rộng diện bao phủ của BHXH. Khi tham gia đóng BHXH, nhóm người lao động này sẽ được hưởng lợi và xã hội cũng được hưởng lợi.
Đây như khoản tiền tích lũy để phòng ngừa khi rủi ro, bất trắc xảy ra với người lao động.
– Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương):
Tăng cường mạng lưới an sinh
Cá nhân tôi ủng hộ đề xuất tài xế xe công nghê, shipper tham gia BHXH bắt buộc. Đây là lực lượng lao động quan trọng, không ngừng tăng nhanh về số lượng. Nếu không để họ vào nhóm đóng BHXH bắt buộc sẽ gây lãng phí nguồn để phát triển mạng lưới bảo hiểm, đồng thời quyền lợi của nhóm người lao động này không đảm bảo.
Có điều khác giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện là đối với bắt buộc có phần đóng của chủ sử dụng lao động cùng người lao động.
Với nhóm tài xế xe công nghệ, shipper dù họ làm việc qua nền tảng công nghệ nhưng vẫn có các công ty, đơn vị đứng sau. Do vậy, hoàn toàn có thể bổ sung họ vào nhóm đóng BHXH bắt buộc. Điều này sẽ giúp tạo thêm ràng buộc về trách nhiệm giữa công ty, đơn vị với người lao động.
– GS.TS GIANG THANH LONG (giảng viên cao cấp Trường đại học Kinh tế quốc dân):
Thời gian đóng linh hoạt
Một số hãng xe công nghệ đang có ký kết lao động “ngầm”, dạng hợp đồng kinh tế, tạo ra thu nhập. Các cơ quan như BHXH, Tổng cục Thuế hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý được thu nhập, thuế, thời gian làm việc và tính tiền đóng BHXH của tài xế xe công nghệ thông qua ứng dụng công nghệ.
Thực tế, lái xe công nghệ hiểu được lợi thế công việc, thu nhập, đồng thời họ cũng hiểu rủi ro tai nạn, ốm đau nên cần tăng cường vận động, tuyên truyền họ tham gia BHXH lâu dài.
Về cách đóng, lái xe công nghệ có thể đóng hằng tháng hoặc ba tháng/lần, sáu tháng/lần bởi hệ thống liên thông dữ liệu, có ghi chép thời gian đóng, mức đóng…
Về mức đóng, khuyến khích tài xế xe công nghệ đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, tránh đóng quá thấp dẫn tới lương hưu thấp. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu mức đóng theo thu nhập, thay vì mức cố định như lương tối thiểu vùng, chuẩn nghèo…
– TS ĐINH THỊ CHIẾN (giảng viên Trường đại học Luật TP.HCM):
Tài xế xe công nghệ chịu nhiều rủi ro
Thực tế tài xế xe công nghệ và công ty nền tảng tồn tại thỏa thuận về thực hiện một công việc qua tên gọi như “biên bản thỏa thuận hợp tác”, “hợp đồng hợp tác kinh doanh”, “hợp đồng hợp tác”…
Khoản phí vận chuyển từ khách hàng là bao nhiêu do công ty nền tảng đưa ra, thỏa thuận với khách. Tài xế chỉ có quyền nhận hoặc từ chối cuốc xe, chứ không có quyền bày tỏ ý chí trong xác định mức giá, tỉ lệ chiết khấu (tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa công ty và tài xế)…
Khoản tiền thưởng của tài xế xe công nghệ dựa trên tỉ lệ nhận cuốc xe/đơn hàng, số cuốc xe/đơn hàng thực hiện, doanh số, mức độ chấp hành quy tắc ứng xử của công ty, đánh giá khách hàng…
Các công ty giám sát tài xế chi li qua thời gian làm việc (thời gian bật ứng dụng), địa điểm làm việc, sự di chuyển của tài xế, phản hồi của khách với tài xế. Họ có thể nhắc nhở, cắt thưởng, khóa tài khoản có thời hạn hoặc khóa tài khoản vĩnh viễn với tài xế.
Có nhiều tài xế buộc phải làm ít nhất 10 tiếng/ngày, thậm chí 12 – 14 tiếng/ngày để kiếm sống. Nhiều tài xế muốn được ưu tiên cuốc xe, họ buộc phải làm việc chuyên cần hơn, nhiều hơn 8 tiếng/ngày và hầu như không có ngày nghỉ.
Tài xế xe công nghệ lệ thuộc nhiều vào công ty nền tảng ở góc độ việc làm, thu nhập. Họ yếu thế hơn lao động trong quan hệ truyền thống do phải gánh rủi ro như chi phí mua xe, thuê xe, điện thoại thông minh, xăng, cước phí điện thoại.
Tuy nhiên, họ không được đảm bảo thu nhập tối thiểu vì các lý do khách quan như ít khách, cước phí thấp, rủi ro tai nạn, cướp tài sản…
Do vậy, chuyên gia cho rằng cần có nghiên cứu thấu đáo, vận dụng hợp lý pháp luật lao động với quan hệ mới này.
– Ông ĐẶNG HOÀNG LINH (giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ, Gojek Việt Nam):
Cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc chưa rõ ràng
Nhóm đối tác tài xế xe công nghệ giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế phi chính thức, họ cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chịu ảnh hưởng lớn trước những thay đổi về môi trường chính sách.
Đề xuất yêu cầu tài xế xe công nghệ phải đóng BHXH bắt buộc cần được cân nhắc kỹ và xem xét nhiều yếu tố của mô hình đặc thù này để đảm bảo cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của họ.
Theo Bộ luật Lao động và kết quả nghiên cứu gần đây nhất từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, bản chất mối quan hệ giữa tài xế và công ty nền tảng không phải là hợp đồng lao động.
Việc làm của tài xế xe công nghệ có những điểm đặc thù như bản thân hoàn toàn được chủ động về thời gian, linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ, thu nhập từ công việc này do đó không cố định mà dựa hoàn toàn vào kế hoạch, hoàn cảnh của từng cá nhân.
Do đó cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc chưa rõ ràng. Yếu tố về hợp đồng lao động và đóng BHXH bắt buộc có thể gây khó khăn cho người lao động khu vực phi chính thức.
Gojek cũng có những buổi làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan, chủ động đề xuất và tham gia kiến nghị trong việc thay đổi chính sách liên quan tới BHXH tự nguyện; đề xuất thay đổi cơ chế đóng bảo hiểm để phù hợp hơn với tính chất đặc thù của các đối tác tài xế xe công nghệ hai bánh, tạo điều kiện để các tài xế có thể tham gia tích cực hơn đối với loại hình BHXH tự nguyện.
Nguồn: tuoitre.vn