Thêm quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp
Theo dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đang được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lấy ý kiến, người lao động sẽ được hưởng 5 chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; Trợ cấp thất nghiệp;
Hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.
Căn cứ tình hình kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ quy định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Theo Luật Việc làm hiện hành, khi thất nghiệp người lao động sẽ được nhận 4 chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp, Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
So sánh có thể thấy trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, quy định về bảo hiểm thất nghiệp có sự điều chỉnh đáng kể, người lao động thất nghiệp được hưởng 5 chế độ, trong đó có 3 chế độ hiện hưởng và bổ sung thêm 2 chế độ mới và bỏ 1 chế độ so với hiện hành.
Mở rộng đối tượng tham gia
Dự thảo luật đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp để phù hợp với thực tế.
Cụ thể, sẽ bổ sung đối tượng tham gia gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên;
Người làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất (tương đương một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất do Chính phủ công bố).
Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Ngoài mở rộng đối tượng, dự thảo luật cũng quy định thêm nhóm đối tượng không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cụ thể, người lao động theo quy định đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ; người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu và người lao động là người giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Luật Việc làm hiện hành đang quy định người đang hưởng lương hưu và giúp việc gia đình không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp?
Bên cạnh việc mở rộng đối tượng tham gia, dự thảo Luật cũng đề xuất sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Luật Việc làm quy định mức đóng này của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng.
Dự thảo luật đề xuất sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Nguồn: dantri.com.vn