Người dân P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM lĩnh lương hưu tại Bưu điện TP.HCM – Ảnh: THUẬN THẮNG |
Từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, tiền đóng BHXH mỗi tháng sẽ dựa trên mức lương và các khoản phụ cấp lương (chưa có bổ sung khác).
Còn từ ngày 1-1-2018 trở đi, BHXH sẽ thu trên mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.
Chẳng biết có được đảm bảo quyền lợi không?
Theo quy định, trong tổng tỉ lệ 26% đóng vào quỹ BHXH, người lao động đóng 8%, còn lại 18% do người sử dụng lao động đóng. Như vậy, số tiền đóng BHXH của người lao động theo quy định mới sẽ tăng lên.
Không những vậy, thời gian đóng BHXH cũng sẽ tăng thêm 5 năm (tăng từ 25 năm lên 30 năm đối với lao động nữ và từ 30 năm lên 35 năm đối với lao động nam) để đạt tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa 75%.
Tăng tiền và thời gian đóng BHXH như vậy nhưng cuối cùng người lao động có được hưởng lợi ích tương xứng? Tiền lương hưu cao hơn hay sẽ thất thoát do lạm phát? Các doanh nghiệp có tìm cách giảm tiền lương và phụ cấp của người lao động để tránh đóng BHXH?
Cùng có nỗi nghi ngờ trên, nhiều bạn đọc phân tích tỉ lệ lạm phát hằng năm ở VN thấp nhất cũng là 5%, tiền đóng BHXH bây giờ tăng nhưng đến 30, 40 năm sau liệu tiền lương nhận được có giúp người lao động về hưu đủ sống hay vẫn phải phụ thuộc vào người thân, con cháu?
“Tôi thấy rõ là Luật BHXH quá phân biệt giữa người làm việc nhà nước với người làm việc trong công ty không phải nhà nước. Tôi là một trường hợp. Làm việc nhà nước được 30 năm nhưng chưa đủ tuổi nên phải đóng bảo hiểm tự nguyện bắt buộc 5 năm nữa ở một công ty TNHH với mức đóng rất cao nhưng khi tính lương hưu thì còn thua người làm nhà nước cùng thời kỳ” – bạn đọc Nguyễn Văn Mùi bày tỏ.
Chị Hoàng Bảo Châu – nhân viên Công ty Imarket VN – nói: “Tôi nghĩ chính sách mới sẽ gây bất lợi cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp”.
Không nên đẩy gánh nặng về phía người lao động và doanh nghiệp
Bà Trần Thị Thu – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho rằng đã là chủ trương nhà nước thì người lao động và các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải nghiêm túc thực hiện.
Theo bà Thu, hiện nay nguồn thu ngân sách đang thiếu hụt, việc tăng BHXH cũng là cách giúp giảm bớt khó khăn cho Nhà nước. Tuy nhiên, không thể đẩy hết gánh nặng cho người lao động và doanh nghiệp mà nhà nước nên có nhiều chủ trương khác, chẳng hạn như hạn chế chi tiêu công.
“Nếu thực hiện được việc hạn chế chi tiêu công thì ngân sách nhà nước không bị hụt thu nhiều để mà móc túi của doanh nghiệp và người lao động như vậy đâu” – bà Trần Thị Thu nhận xét.
Trước việc cho đến giờ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn của Bộ Lao động – thương binh và xã hội về cách tính các khoản thu BHXH, bà Thu cho rằng nên lùi thời hạn thực thi Luật BHXH lại chí ít từ sáu tháng đến một năm để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị tinh thần cho người lao động cũng như là chiến lược tài chính.
Doanh nghiệp sẽ tìm cách luồn lách?
Tiến sĩ (TS) Ôn Tuấn Bảo, nguyên vụ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho rằng trách nhiệm hạn chế các doanh nghiệp tìm cách luồn lách, giảm tiền lương và trợ cấp của người lao động để không phải chi quá nhiều cho việc đóng BHXH là của các công đoàn tại doanh nghiệp và cao hơn nữa là của pháp luật.
“Người sử dụng lao động bao giờ cũng tìm kiếm lợi nhuận bằng cách cắt giảm thu chi không hợp lý. Tiền lương và phụ cấp người lao động không thể gọi là chi phí bất hợp lý để các doanh nghiệp có quyền được tự do cắt giảm mà được pháp luật bảo hộ. Ai vi phạm sẽ phải bị xử lý thôi” – TS Ôn Tuấn Bảo nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Mai Quốc Chánh, nguyên trưởng khoa kinh tế và quản lý nguồn nhân lực ĐH Kinh tế Quốc dân, việc tăng mức phí đóng bảo hiểm sẽ khiến các doanh nghiệp hụt đi lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vẫn đóng BHXH đầy đủ cho người lao động theo quy định của pháp luật thì có thể lợi ích của họ vẫn được đảm bảo.
“Người lao động tất nhiên sẽ bị thu hút bởi các doanh nghiệp đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của họ, hiệu quả và năng suất công việc vì thế cũng sẽ tăng. Chủ doanh nghiệp và người lao động cần thống nhất lợi ích của cả hai bên” – PGS.TS Mai Quốc Chánh nói.
Nên khuyến khích đóng BHXH tự nguyện Theo PGS.TS Mai Quốc Chánh, nếu thực hiện chính sách ấn định một cách cứng nhắc thì sẽ khó cho người lao động. Thường người có thu nhập thấp sẽ muốn đóng bảo hiểm ít để dành tiền giải quyết những lợi ích trước mắt, còn người thu nhập tương đối cao lại muốn đóng bảo hiểm nhiều lên để có dự trữ về sau. Vậy nên không thể bắt buộc mọi người cùng đóng BHXH như nhau mà linh động cho đóng BHXH tự nguyện. Để hạn chế việc người lao động thấy không bắt buộc đóng BHXH thì sẽ không đóng, PGS.TS Mai Quốc Chánh cho rằng nên quy định một mức đóng BHXH tối thiểu và mức đóng tối thiểu này cần phải phù hợp với từng khu vực. “Những hộ chăn nuôi sản xuất ở nông thôn bây giờ phải đóng BHXH mỗi tháng vài ba trăm nghìn đồng thì cũng là khó khăn cho họ. Nên có mức quy định phù hợp hơn để tránh tình trạng gây khó khăn cho người dân khu vực nông thôn” – PGS.TS Mai Quốc Chánh đề xuất. Theo PGS.TS Mai Quốc Chánh, bên cạnh việc quy định đóng BHXH làm sao cho thật phù hợp với người lao động, vấn đề còn là giáo dục, tuyên truyền cho họ thấy lợi ích của BHXH mà tự nguyện đóng. |
Bàn về việc liệu rằng chính sách BHXH mới có gây bất lợi cho những người đang làm công việc nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm hay không, TS Ôn Tuấn Bảo cho rằng theo Điều 54 Luật BHXH 2014, người lao động trong những ngành nghề được Bộ Lao động – thương binh và xã hội quy định là nặng nhọc, độc hại hay nguy hiểm (khai khoáng, cơ khí – luyện kim, hóa chất,…) được về hưu và hưởng lương hưu sớm hơn người lao động bình thường đến nhiều nhất là 5 năm. Vậy nên họ sẽ không chịu thiệt thòi. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> Bà Trần Thị Thu:
>> PGS.TS Mai Quốc Chánh:
>> TS Ôn Tuấn Bảo:
Nguồn: tuoitre.vn