Sáng 24.10, dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế đã được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV theo quy trình một kỳ họp.
Luật Bảo hiểm y tế ra đời từ năm 2008 (hiệu lực thi hành năm 2009, được sửa đổi, bổ sung năm 2014), đến nay đã 15 năm và mang lại những kết quả ưu việt, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại.
Gia tăng người tham gia bảo hiểm y tế
Báo cáo tổng kết thực hiện luật Bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 – 2024 của Bộ Y tế đã chỉ ra những điểm ưu việt của luật này.
Theo đó, năm 2009 là năm đầu tiên thực hiện luật Bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 58% dân số (gần 48 triệu người, dân số Việt Nam năm 2009 hơn 85,8 triệu người). Đến năm 2015, tỷ lệ bao phủ 74,9% (68,5 triệu người).
Tính đến 31.12.2023, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 93,35% dân số (hơn 93,6 triệu người).
Số người tham gia bảo hiểm y tế gia tăng thì đồng thời số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm.
Nếu như năm 2009 có 84,3 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (cả nội trú lẫn ngoại trú) thì đến năm 2015 tăng lên có 130,2 triệu lượt. Đến năm 2023, số khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng lên 174 triệu lượt.
Đề xuất BHYT thanh toán 50% chi phí khám bệnh ngoại trú trái tuyến
Theo Bộ Y tế, băm 2010, có 2.176 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng bảo hiểm y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế. Năm 2015 là 2.089 cơ sở, đến năm 2024 là 2.897 cơ sở.
Về công tác thu – chi bảo hiểm y tế, theo Bộ Y tế số thu bảo hiểm y tế năm 2009 ước tính đạt 13.000 tỉ đồng (chi khoảng 15.800 tỉ đồng). Năm 2015 thu 59.700 tỉ đồng (chi 47.900 tỉ đồng). Năm 2023, tổng số thu bảo hiểm y tế là 126.405 tỉ đồng (ước chi khoảng 128.000 tỉ đổng).
Cùng với đó, quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của người dân được đảm bảo, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh nâng cao, bệnh viện tuyến trên từng bước giảm tải.
Các bệnh viện tiếp tục triển khai đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, cải cách hành chính giảm sự phiền hà. Nhiều bệnh viện áp dụng nhiều kỹ thuật cao, công nghệ mới trong điều trị như ghép tạng, can thiệp tim mạch, phẫu thuật nội soi có rô bốt, y học hạt nhân…
Nhưng còn nhiều bất cập
Trong quá trình triển khai thực hiện luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế nhìn nhận đã phát sinh một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắt có liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quyền lợi bảo hiểm y tế, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, cơ chế chính sách.
Riêng về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, theo Bộ Y tế, việc tham gia bảo hiểm y tế đã góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chi tiền túi tại Việt Nam vẫn tương đối cao, chiếm khoảng 45% chi phí y tế. Nguyên nhân dẫn đến điều này có thể kể tới như do tăng sử dụng dịch vụ y tế.
Cụ thể, theo khảo sát, người có thẻ bảo hiểm y tế có mức sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú và nội trú cao hơn đối tượng khác. Số tiền cùng chi trả cũng như số tiền tự trả cho thuốc, vật tư y tế hoặc các dịch vụ ngoài danh mục bảo hiểm y tế dẫn tới tăng mức trả tiền túi. Việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ làm tăng chi phí trả tiền túi.
Một số bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, không đủ thuốc cần thiết cho người bệnh sử dụng.
Công tác đấu thầu thuốc và quản lý thuốc chưa đảm bảo, một số thuốc cần nhưng không được cung ứng nên bệnh nhân phải mua bên ngoài.
Quỹ bảo hiểm y tế chỉ chi trả cho các dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế được thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi có một số dịch vụ y tế có thể được cung cấp ở cơ sở không phải là cơ sở khám chữa bệnh, như nhà thuốc, trung tâm xét nghiệm.
Việc thực hiện tự chủ tài chính cho các cơ sở khám chữa bệnh đã làm xuất hiện tình trạng một số bệnh viện tuyến dưới “giữ’ bệnh nhân lại điều trị, hạn chế chuyển lên tuyến trên, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế. Tình trạng chỉ định quá mức cần thiết một số dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán, sử dụng thuốc vẫn xảy ra tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Có tình trạng bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng do cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng được cho người bệnh vì các lý do khác nhau. Điều này làm giảm niềm tin của người bệnh đối với chính sách bảo hiểm y tế.
Một số nơi có tình trạng chỉ định người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sử dụng các thiết bị xã hội hóa trong khi vẫn có máy đầu tư ngân sách, điều này làm cho người bệnh phải chi trả phần chênh lệch giữa hai mức giá.
Một số chi phí đã tính vào kết cấu giá như (quần áo, mũ phẫu thuật, tiền công tiêm, công khám của bệnh nhân nội trú…) nhưng một số cơ sở khám chữa bệnh vẫn tính và yêu cầu người bệnh phải chi trả.
Ngoài ra còn bất cập khi thông tuyến, chuyển tuyến bảo hiểm y tế, cơ sở khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Còn tình trạng quá tải tuyến trên…
Vì sao sửa luật Bảo hiểm y tế?
Để bảo đảm tiến độ, chất lượng của việc trình và thông qua dự án luật trong 1 kỳ họp Quốc hội, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi một số điều, khoản nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách hiện nay và bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật của luật Khám bệnh, chữa bệnh từ 1.1.2025.
Theo đó, lần này, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm; trách nhiệm của một số bộ ngành, cơ quan, UBND; quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng, trách nhiệm đóng để khắc phục bất cập trong thực tiễn và để đồng bộ với luật Bảo hiểm xã hội; thẻ và cấp thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng, tỷ lệ hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế khám chữa bệnh trái tuyến, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập trong thực tế và quy định mới của luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó là các trường hợp không được hưởng bảo hiểm y tế; đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tạm ứng, thanh quyết toán giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội; chính sách của nhà nước về bảo hiểm y tế; quy định tỷ lệ số tiền đóng bảo hiểm y tế dành cho quỹ dự phòng, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, một số bất cập, vướng mắc đã được nhận diện trong quá trình tổng kết thi hành luật nhưng để bảo đảm tiến độ đồng bộ với luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, truyền thông kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận và sẽ được nghiên cứu đề xuất sửa đổi trong nhiệm kỳ Quốc hội sau.
Nhiều vấn đề cốt lõi còn bỏ ngõ
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, bảo hiểm y tế là nguồn tài chính để nhiều người, đặc biệt là người có bệnh hiểm nghèo, người nghèo được khám chữa bệnh. Nhưng còn những tồn tại và bức xúc của người dân về bảo hiểm y tế thì nhiều, nhưng khi sửa luật thì phải sửa những điều cốt lõi để có kết quả tốt. Không thể sửa theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, sửa rất ít trong đề xuất lần này thì vấn đề vẫn như cũ.
Bà Phong Lan cho rằng, tồn tại của bảo hiểm y tế là cơ chế hoạt động, mất cân bằng thu chi. Về thu, chúng ta là một trong những quốc gia có giá thu bảo hiểm y tế thấp nhất. Nhưng chi phí khám chữa bệnh thì cũng giống các quốc gia khác, ví dụ thuốc và vật tư y tế giá cũng như nhau.
Mặt khác, người mua bảo hiểm y tế bắt buộc thì giá cao hơn người mua bảo hiểm tự nguyện, nhưng mức hưởng bảo hiểm giữa mọi người (diện bắt buộc và tự nguyện) là ngang bằng, không căn cứ vào mức đóng. Vì vậy, nên tính toán lại mức đóng bảo hiểm tự nguyện.
“Trong khi giá thu bảo hiểm y tế thấp nhưng chi thì rất cao. Vì vậy, để giảm chi thì quy định về giá dịch vụ, đấu thầu chọn giá thấp hơn… đã kéo lùi chất lượng y tế. Nên vì vậy, làm sao để hài hòa giữa giá và chất lượng”, bà Phong Lan đặt vấn đề và đề xuất đa dạng hóa loại hình bảo hiểm, tức ngoài bảo hiểm cơ bản thì cần có bảo hiểm y tế thương mại (gọi là bảo hiểm phụ) để người dân lựa chọn.
Về đóng bảo hiểm y tế của người lao động là 6% lương cơ bản, trong đó chủ sử dụng lao động đóng 2/3, theo bà Phong Lan, việc này xảy ra hệ lụy đối với các đơn vị tư nhân, họ “ăn gian” số 4% vì họ không đóng ngay. Có nhiều trường hợp người lao động vẫn đóng 2% vào quỹ, nhưng đến khi tất toán hay công ty phá sản thì mới vỡ lẽ công ty không đóng 4% này nên người lao động bị mất quyền lợi.
Vì vậy, bà đề xuất nghiên cứu chi phí 6% này công ty trả hết cho người lao động qua lương và người lao động vì quyền lợi của mình thì tự mua bảo hiểm y tế, nếu không mua thì không được hưởng khi đau ốm. Người lao động có thể mua theo diện bảo hiểm y tế hộ gia đình.
Bà Phong Lan cũng cho rằng vấn đề vượt tuyến của người dân nhưng bị hạn chế thanh toán là không công bằng. Nguyên tắc người dân mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm “hứa” thanh toán thì phải thanh toán, nếu nói để giảm quá tải thì hiện nay tuyến trên vẫn quá tải.
Việc cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm phát hiện người dân gian lận bảo hiểm thì tiến hành xử lý, còn nếu bảo hiểm không đảm bảo cam kết với người bệnh thì xử lý ra sao? Vấn đề này luật sửa đổi, bổ sung chưa đề cập.
Thanh toán tầm soát bệnh
Một lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị, luật sửa đổi, bổ sung lần này cần bổ sung thêm những phạm vi mà bảo hiểm chưa chi trả (như ăn uống, các vật tư y tế – kỹ thuật chưa chi trả hết).
Bảo hiểm y tế nên thanh toán cho tầm soát các bệnh thường gặp nhằm phát hiện sớm bệnh để điều trị, đặc biệt là các loại ung thư. Vì nếu người dân được phát hiện sớm bệnh thì điều trị có thể dễ hơn, chi phí y tế thấp hơn.
Ngoài ra, nên để bệnh nhân được khám ở tất cả các tuyến, không giới hạn về địa lý.
Nguồn: thanhnien.vn