Gửi tới Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc chia sẻ bị nợ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng quyền lợi. Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ 1-7-2025 có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm tình trạng dai dẳng, phức tạp kéo dài nhiều năm trên?
Công ty nợ bảo hiểm xã hội, chủ cố tình trốn tránh
Bạn đọc Nguyen Tan Phong chia sẻ bản thân không rút được bảo hiểm xã hội một lần do công ty nói nhân sự cũ nghỉ, mất hồ sơ cá nhân, buộc phải kiện ra tòa mới được đóng bù. Tuy nhiên cơ quan bảo hiểm xã hội cho hay công ty còn nợ mấy tỉ, và phải đóng đủ hết tiền nợ mới giải quyết cho mọi người, không cho cá nhân riêng lẻ.
Còn độc giả Phan Quốc Đạt phản ánh vì công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhiều anh chị em công nhân, nhân viên không được giải quyết các chế độ thai sản, tử tuất, thất nghiệp.
“Có những trường hợp lao động nữ sinh con không hưởng được chế độ. Công nhân mất việc, thất nghiệp không được giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Về bảo hiểm y tế, hằng tháng công ty đều khấu trừ các khoản bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhưng công nhân không có thẻ bảo hiểm y tế.
Chủ doanh nghiệp cố tình trốn tránh. Nhiều quyền lợi chính đáng và hợp pháp của anh chị em bị phớt lờ. Anh chị em công nhân trong công ty đa số là người lao động nghèo, người lớn tuổi và trình độ thấp nên họ khó có thể tự đòi quyền lợi của mình”, bạn đọc cho hay.
Theo hồ sơ xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế còn khá lớn, trên 13.000 tỉ đồng (bình quân trong 1-2 năm qua), gồm cả tiền chậm và lãi. Chủ yếu thuộc nhóm doanh nghiệp tư nhân, chiếm 60-80%.
Luật mới ngăn chậm đóng bảo hiểm xã hội thế nào?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đình Quảng – phó trưởng ban chính sách – pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết Luật Bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 có các giải pháp tối ưu, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Luật mới có một chương về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội. “Trong đó làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội”, ông Quảng nói.
Ví dụ luật quy định chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng chậm nhất theo quy định.
Chậm đóng là không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
“Việc này nhằm phân định rõ hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, qua đó xử lý phù hợp như xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là những quy định, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan nhà nước trong quản lý, phát hiện, xử lý.
Thực tế nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội dẫn tới quyền lợi của người lao động không được giải quyết”, ông nói.
Ông Hà Đình Bốn – nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – cho biết vấn đề nợ bảo hiểm, chây ì đóng bảo hiểm là vấn đề dai dẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Theo ông Bốn, pháp luật đã quy định rõ, đầy đủ chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, kể cả xử lý hình sự.
“Cơ quan chức năng cần thực hiện đúng, đầy đủ quy định pháp luật. Các doanh nghiệp đáng bị truy tố thì phải bị truy tố. Đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đủ điều kiện, đầy đủ các vi phạm hành chính thì phải xử lý, kể cả hình sự. Trường hợp trốn ra nước ngoài vẫn phải truy tố, xét xử”, ông Bốn nhấn mạnh.
Lấy ví dụ hành vi tham ô, theo ông Bốn, dù người vi phạm nộp lại tiền thì đó chỉ là tình tiết giảm nhẹ, biện pháp khắc phục, chứ không phải không xử lý hình sự.
Để hạn chế tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, cơ quan tố tụng phải kiên quyết khởi tố nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm.
Nguồn: tuoitre.vn