Theo quy định của luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi (có hiệu lực thi hành 1.1.2016), Cơ quan BHXH không còn thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH nữa mà quyền này được chuyển cho công đoàn thực hiện.
Ngày 14.4.2016, TAND tối cao có Công văn 105/TANDTC gửi TAND các cấp, các đơn vị trực thuộc TAND tối cao về việc thi hành luật BHXH, trong đó có nêu: Kể từ ngày luật BHXH có hiệu lực thi hành, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền BHXH đối với người sử dụng lao động.
Đối với những vụ án đã thụ lý trước ngày 1.1.2016 mà chưa giải quyết thì tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quy định của bộ luật Lao động, luật BHXH và luật Xử lý vi phạm hành chính.
tin liên quan
Sẽ khởi kiện 200 doanh nghiệp nợ BHXH
Theo ông Đại, với những DN cố tình chây ì, chậm nộp, chiếm dụng tiền BHXH, BHXH VN đã hoàn tất thủ tục hồ sơ, gửi danh sách cho Liên đoàn Lao động các địa phương để khởi kiện ra tòa theo quy định.
Phải có từng công nhân ủy quyền!
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) H.Hóc Môn (TP.HCM), cho biết tháng 11.2016, BHXH H.Hóc Môn chuyển cho đơn vị này danh sách 7 doanh nghiệp (DN) cần phải khởi kiện đòi nợ BHXH với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Số tiền này bao gồm BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mà các DN đã trừ vào thu nhập hằng tháng của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Ngày 21.11.2016, LĐLĐ H.Hóc Môn nộp đơn khởi kiện ra TAND cùng cấp để đòi BHXH một công ty nợ gần 2 tỉ đồng của hơn 40 công nhân (CN). Tuy nhiên, ngày 28.11.2016, TAND huyện đã trả đơn khởi kiện và yêu cầu phải có giấy ủy quyền của từng CN thì tòa án mới thụ lý giải quyết.
|
Tương tự, tại Q.3 cũng có 16 DN bị LĐLĐ Q.3 gửi đơn khởi kiện ra tòa đòi BHXH với số nợ hàng tỉ đồng. Ngày 21.11.2016, TAND Q.3 có thông báo trả đơn khởi kiện với lý do: Không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, do tòa không thụ lý giải quyết tập thể.
Theo hướng dẫn của TAND H.Hóc Môn, LĐLĐ H.Hóc Môn đã phải tìm từng CN, thuyết phục họ làm giấy ủy quyền cho cán bộ công đoàn khởi kiện nhưng đến nay chỉ có khoảng 50% số CN làm giấy ủy quyền. Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, vấn đề khó nhất là CN không dám ủy quyền khởi kiện.
“Chỉ những DN đã ngưng hoạt động thì CN mới dám làm giấy ủy quyền, còn bình thường rất ít CN dám ủy quyền bởi ngại va chạm dù biết quyền lợi đang bị xâm hại”, ông Tuấn nói. Đó là chưa kể phí công chứng ủy quyền cho mỗi trường hợp ít nhất từ 150.000 đồng nên CN cũng ngại.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch LĐLĐ Q.3 (TP.HCM), nhận xét việc để từng CN khởi kiện thì rất phức tạp. CN không ở tập trung một chỗ, cán bộ công đoàn không thể đến từng nơi để mời ra phòng công chứng ký giấy ủy quyền được. “Còn vào công ty trong giờ làm việc để làm ủy quyền thì càng không dễ, nhờ cán bộ công đoàn công ty lại càng khó bởi họ cũng chỉ là CN làm công ăn lương”, bà Huyền nói.
Vai trò công đoàn ở đâu?
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật – LĐLĐ TP.HCM, nhận định: Điểm d, khoản 1, điều 14 luật BHXH quy định tổ chức công đoàn có quyền: “Khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động” nhưng tòa án lại yêu cầu phải có ủy quyền của CN mới thụ lý, gây khó khăn cho việc khởi kiện. “Nếu CN ủy quyền và cán bộ công đoàn ra tòa với tư cách người được ủy quyền thì vai trò của công đoàn ở đâu? Như thế thì CN cũng có thể ủy quyền cho bất cứ ai chứ không cần phải ủy quyền cho công đoàn”, ông Triều nói.
tin liên quan
Ngư dân mỏi mòn chờ bảo hiểm tàu cá: Chủ tàu có quyền khiếu kiện tòa án
Ngày 23.12, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết UBND tỉnh tiếp tục ra văn bản đề nghị Tổng công ty CP Bảo Minh thông báo bằng văn bản việc giải quyết hồ sơ bồi thường bảo hiểm tàu cá QNg 95139 TS của ông Huỳnh Dần ở xã Bình Chánh, H.Bình Sơn.
Ông Triều cho biết giữa LĐLĐ và TAND TP.HCM đã nhiều lần làm việc về thủ tục khởi kiện đòi BHXH nhưng vẫn chưa thống nhất. Theo ông Triều, tại TP có rất nhiều DN có hàng ngàn CN, thậm chí có DN có hàng chục ngàn CN, nếu yêu cầu phải có ủy quyền của từng CN thì không bao giờ có thể khởi kiện hết được. “Một ngày, một tòa chỉ xử được khoảng 30 trường hợp thì một công ty có hàng chục ngàn CN phải xử mấy năm mới xong?”, ông Triều nói.
Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết khi chưa có quy định chuyển quyền khởi kiện đòi BHXH cho công đoàn thì BHXH TP khởi kiện mỗi năm hơn 2.000 DN, số nợ đòi được đạt khoảng 65%.
Từ khi chuyển quyền khởi kiện về công đoàn thì chưa có một DN nào bị khởi kiện khiến tình trạng nợ đọng BHXH tiếp tục kéo dài. “DN đã trừ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, y tế của CN nhưng không nộp cho cơ quan BHXH thì CN sẽ không được giải quyết các chế độ thất nghiệp, bảo hiểm y tế và hưu trí sau này”, ông Tiến nói và đề nghị: “TAND tối cao, Tổng LĐLĐ VN cần phải thống nhất và có quy định hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, nếu không thì quyền khởi kiện của công đoàn sẽ không bao giờ thực hiện được”.
Nguồn: thanhnien.vn