Bà Nguyễn Thị Thủy (53 tuổi, hiện đang làm việc tại một cơ sở y tế ở Hà Nội) cho biết đang làm thủ tục về hưu trước tuổi. “Tôi đã đóng BHXH được 25 năm, so với điều kiện hưởng lương hưu tối đa vẫn thiếu 2 tuổi.
Nhưng từ 1.1.2018, phải đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng 75% lương, nên về hưu luôn năm nay vẫn có lợi hơn”. Rất nhiều người giống như bà Thủy, không muốn mình bị thiệt đơn, thiệt kép sau thời điểm 1.1.2018.
Thay đổi tỷ lệ hưởng lương hưu (từ 1.1.2018) là một trong 3 giải pháp mà BHXH đề nghị (cùng với tăng thời gian đóng BHXH cũng đã được thông qua và tăng tuổi nghỉ hưu còn đang gây tranh cãi) để đối phó với tình trạng kết dư quỹ BHXH đang giảm dần, nguy cơ vỡ một số quỹ BHXH trong tương lai gần. Nhưng cách thay đổi này đang gây thất vọng cho nhiều người. Đặc biệt, trong bối cảnh lương hưu nói chung hiện đã rất thấp so với mức sống tối thiểu.
Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, bài toán cân đối Quỹ BHXH phải được bàn bạc rất cụ thể, thậm chí là trưng cầu ý kiến rộng rãi người dân. Bởi lẽ quỹ BHXH được hình thành trên cơ sở đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dùng để trả lại quyền lợi cho người lao động khi hết tuổi lao động. Nhưng lộ trình và cách tính hiện nay đang được cho là không hợp lý, bất bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Trong khi lao động nữ hiện chiếm hơn một nửa lực lượng lao động cả nước. Lo ngại rằng việc thay đổi chính sách lương hưu tới đây sẽ tác động tiêu cực tới số lao động này là có thật và đang gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Đây là lúc Quốc hội, Chính phủ cần thiết phải nhìn nhận lại một cách đầy đủ và toàn diện hoạt động của một quỹ mà nguồn thu lên tới 7 tỉ USD/năm như Quỹ BHXH. Không thể vì con ngáo ộp “vỡ quỹ” mà quên đi các vấn đề khác rất quan trọng như BHXH đã dùng tiền của người lao động đầu tư như thế nào, lợi nhuận ra sao? Tại sao chi phí quản lý của BHXH VN năm sau tăng 75% so với năm trước?…
Cách tính toán lương hưu thế nào là việc của các nhà hoạch định chính sách, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn mức sống tối thiểu. Đó vừa là đạo lý, vừa là pháp lý.
Minh bạch hóa thông tin để Quỹ BHXH hoạt động hiệu quả hơn là yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là khi mức tiền đóng góp BHXH bắt buộc ở VN hiện cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, nếu tính gộp các khoản BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… mức phí đóng góp đã lên đến 35,5% lương của người lao động (Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, cũng chỉ có mức đóng góp gần 29%).
Nguồn: thanhnien.vn