Theo khảo sát 1.000 phiếu tại 30 doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố vào tháng 5-7, Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tỷ lệ lao động nữ di cư có khoảng thời gian cư trú 5-10 năm và từ 10 năm trở lên chiếm 67,9% số lao động được khảo sát
Theo đơn vị này, những lao động được khảo sát có thời gian gắn bó với nơi làm việc khá dài.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 6,5% doanh nghiệp có nhiều đơn hàng; 51,6% doanh nghiệp không đủ đơn hàng nên có phương án cắt giảm lao động hoặc cố duy trì lao động, giảm giờ làm hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Trong số người lao động được khảo sát, một nửa lao động được trả tiền lương 5-7 triệu/ tháng. Họ chủ yếu là lao động trực tiếp, lao động phục vụ.
Chỉ 11% lao động được trả lương từ 9 triệu đồng trở lên, đa phần là cán bộ lãnh đạo phòng, quản lý phân xưởng.
Ngoài lương, lao động có các khoản thu nhập khác như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giữ trẻ, nuôi con nhỏ dao động từ 600.000 đồng/tháng đến 1 triệu/tháng.
Bên cạnh 55,3% lao động muốn làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định, thì rất nhiều lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Theo khảo sát của Ban Nữ công, lý do nữ lao động di cư nhận bảo hiểm xã hội một lần vì cho rằng nhận bảo hiểm xã hội một lần có lợi hơn, cuộc sống bấp bênh khó trụ làm việc lâu dài, lo cho cuộc sống gia đình một phần…
Theo kết quả khảo sát trong doanh nghiệp, có 66,7% cho biết tại doanh nghiệp có tình trạng lao động muốn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.
Lý do doanh nghiệp đưa ra về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là do suy giảm khả năng lao động, do muốn về quê sinh sống, do xa con, xa gia đình, thu nhập quá thấp không có tích lũy.
Ngoài những lý do trên, một số người còn cho rằng, do điều kiện sống quá thấp, do chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm, công nhân lao động cho rằng tuổi đời còn trẻ nên không thể chờ thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội quá lâu…
Nguồn: dantri.com.vn