Số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (ISA) cho thấy, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phục hồi mạnh trong 5 tháng đầu năm. Riêng với mảng bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 20.500 tỷ đồng tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về tổng doanh thu phí bảo hiểm luỹ kế từ trước đến nay, Bảo Việt Nhân Thọ vẫn xếp ngôi đầu với 20,4% thị phần. Tuy nhiên, bảng xếp hạng tổng doanh thu phí của các hãng đã có sự đổi ngôi giữa Prudential và Manulife.
Qua 5 tháng đầu năm, Manulife vượt thị phần của Prudential nhờ vào chiến lược quyết liệt đẩy mạnh doanh số khai thác mới trong những năm trở lại đây. Xếp sau Bảo Việt Nhân Thọ, Manulife đang nắm hơn 19% doanh thu toàn thị trường còn tỷ lệ này tại Prudential là 16,3%.
Trong khi đó vào cuối 2020, thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của Manulife chiếm 16,5%, vẫn đang xếp sau Prudential (18,6%).
Kết quả này đến từ tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng của Manulife trong suốt nhiều năm gần đây. Trong 5 tháng đầu năm, hãng này đang dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (từ các hợp đồng mới) với thị phần hơn 23%. Thị phần khai thác mới của top 5 thị trường còn lại là Bảo Việt Nhân Thọ (13,4%), Dai-ichi (hơn 13%), Prudential (11,6%), AIA (hơn 8%). Xếp sau đó là MB Ageas (hơn 6%), Sun Life (5,5%), FWD (4,5%)…
Với tốc độ tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam Sang Lee đầu năm nay cũng từng tự tin sớm vượt Bảo Việt Nhân Thọ và Prudential về tổng doanh thu bảo hiểm.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới đây cũng dự đoán, cạnh tranh khốc liệt sẽ khiến tiếp tục thu hẹp và định hình lại thị phần giữa top 5 công ty bảo hiểm đứng đầu và tạo nhiều cơ hội hơn cho những công ty quy mô nhỏ.
Trong quý III, tình hình kinh doanh của các hãng bảo hiểm theo nhận định của VDSC có thể chậm lại trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài kể từ giữa tháng 7. Môi trường lãi suất thấp có khả năng kéo dài sau khi đại dịch để hỗ trợ phục hồi kinh tế, do đó, bảo hiểm liên kết đầu tư theo dự đoán vẫn dẫn dắt tăng trưởng phí bảo hiểm mới.
Khung pháp lý mới theo công ty chứng khoán này, sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành bảo hiểm từ năm 2023.
Theo dự kiến của cơ quan chức năng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Dự thảo lần 4 của Luật đang được lấy ý kiến. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thay đổi (dự kiến) trong luật mới cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý và đề cao hơn tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho các chủ thể tham gia thị trường. Các thay đổi trọng yếu có thể tạo ra những thay đổi lớn, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe, theo VDSC.
Quỳnh Trang
Nguồn: vnexpress.net